24/11/2024

Thế giới ra sao với 8 tỉ người?

Thế giới ra sao với 8 tỉ người?

Ngày 15-11 đánh dấu cột mốc quan trọng của thế giới khi dân số đạt 8 tỉ người, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Cột mốc này đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra tiềm năng vô hạn của thế giới con người.

 

Thế giới ra sao với 8 tỉ người? - Ảnh 1.

Các tình nguyện viên chăm sóc bé sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương thời điểm tháng 8-2021 – Ảnh: TỰ TRUNG

Số liệu của Báo cáo Triển vọng dân số thế giới năm 2022 của LHQ khiến nhiều người lo ngại về tác động của dân số ngày càng tăng lên vốn đang vật lộn với nhiều vấn đề như bất bình đẳng, khủng hoảng khí hậu, xung đột và di cư. Nhưng các chuyên gia LHQ cho rằng cần nhìn xa hơn những con số để có giải pháp đúng đắn.

 

Nhờ khoa học và y tế

Con người đã đi một chặng đường dài với tốc độ tăng dân số rất nhanh. Dân số Trái đất có những bước nhảy vọt trong thời gian ngắn, trong đó bắt đầu bùng nổ từ thế kỷ 19 nhờ sự phát triển của thuốc men, nông nghiệp và nguồn lương thực.

Từ 1 tỉ người năm 1800, dân số đã tăng lên 2,5 tỉ năm 1950 và trong vài thập niên tiếp theo đã tăng hơn gấp ba lần – lên 8 tỉ vào năm 2022, dự kiến đạt đỉnh hơn 10 tỉ vào năm 2050. “Sự gia tăng dân số chưa từng có này là do tuổi thọ con người tăng dần nhờ sự cải thiện về sức khỏe cộng đồng, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và y học. Đây cũng là kết quả của mức sinh nhiều và liên tục ở một số quốc gia”, LHQ lý giải.

Thế giới ra sao với 8 tỉ người? - Ảnh 2.

Nguồn: theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc – Tổng hợp: TRẦN PHƯƠNG – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Báo cáo cũng cho thấy xu hướng dân số toàn cầu. Chẳng hạn dân số tăng tập trung ở những nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, tăng ở châu Á và giảm ở châu Âu. Điều này lý giải phần nào sự chênh lệch lớn giữa độ tuổi trung bình ở các nước phát triển và kém phát triển.

Tỉ lệ người được giáo dục và sống lành mạnh hiện nay nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử. Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ tăng dân số toàn cầu đang và dự kiến tiếp tục chậm lại trong nửa đầu thế kỷ này, cùng với số người già tăng. Theo các chuyên gia, xu hướng dân số có thể tác động lớn đến địa chính trị trong tương lai.

“Nhưng khi gia đình nhân loại của chúng ta ngày càng đông hơn, nó cũng ngày càng chia rẽ hơn”, Tổng thư ký LHQ António Guterres cảnh báo khi tình trạng nhiều người đang gặp khó khăn như hàng trăm triệu người đối mặt với nạn đói và số người rời bỏ nhà cửa do nợ nần, khó khăn, chiến tranh và thiên tai cũng đang tăng nhanh kỷ lục. Theo ông Guterres, nếu không có giải pháp, thế giới 8 tỉ người hiện tại sẽ sống trong môi trường đầy căng thẳng, ngờ vực, khủng hoảng và xung đột.

Theo LHQ, thế giới đang gặp những thách thức lớn về sự bất bình đẳng với một số ít tỉ phú giàu hơn một nửa thế giới cộng lại, người dân ở nước giàu sống thọ hơn ở nước nghèo đến 30 năm. Dân số đông hơn cũng làm gia tăng vấn đề về môi trường, được coi là mối đe dọa lớn nhất với con người hiện nay. Còn theo các chuyên gia, sự lão hóa mới là vấn đề lớn nhất của thế kỷ này, đặt ra thách thức cho các nước trong tính toán tài chính và chi tiêu y tế.

Thế giới ra sao với 8 tỉ người? - Ảnh 3.

Người dân chen chúc tại một ngôi chợ ở Bangalore, Ấn Độ – Ảnh: AFP

Sức mạnh của 8 tỉ người

Trong khi có ý kiến cho rằng 8 tỉ người trên Trái đất là quá nhiều, hầu hết các chuyên gia cho rằng vấn đề nằm ở sự khai thác tài nguyên. Trong khi đó nhiều số liệu thống kê đã chứng minh hiện việc tiêu thụ tài nguyên nhiều nhất lại là những người giàu. “Một số bày tỏ lo ngại rằng thế giới của chúng ta quá đông, với quá nhiều người và không đủ tài nguyên để nuôi sống họ. Tôi sẽ nói rõ ràng rằng số lượng lớn con người không phải là điều đáng sợ”, bà Natalia Kanem, giám đốc Quỹ Dân số LHQ, khẳng định.

Còn theo chuyên gia Joel Cohen của Rockefeller, Mỹ, câu trả lời cho việc bao nhiêu người là nhiều luôn phụ thuộc phần lớn vào lựa chọn của chúng ta. Các lựa chọn của chúng ta dẫn đến việc con người tiêu thụ nhiều tài nguyên sinh học hơn, chẳng hạn như rừng và đất, so với khả năng tái tạo của hành tinh mỗi năm. Việc tiêu thụ quá mức nhiên liệu hóa thạch dẫn đến lượng khí thải carbon dioxide nhiều hơn, gây ra sự nóng lên toàn cầu.

“Chúng ta thật ngu ngốc. Chúng ta thiếu tầm nhìn xa. Chúng ta tham lam. Chúng ta không sử dụng thông tin mình có”, ông Cohen nói và cho rằng thế giới đã bắt đầu có những lựa chọn tốt hơn.

Nhìn từ góc độ trên nhưng rộng hơn, bà Kanem cho rằng điều các nước cần không phải là các biện pháp kiểm soát dân số mà nên tập trung vào hỗ trợ phụ nữ, trẻ em và những người dễ bị tổn thương do sự thay đổi dân số. Việc đảm bảo lương thực cho toàn cầu cũng sẽ khó khăn nhưng các chuyên gia cho rằng công nghệ có thể giúp giải quyết. Sự gia tăng dân số chậm hơn trong nhiều thập niên tới có thể giúp giảm thiểu các thiệt hại môi trường trong nửa sau của thế kỷ hiện tại.

Song song với thách thức, theo ông Guterres, 8 tỉ người cũng tạo ra những cơ hội to lớn, chẳng hạn việc đầu tư vào chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bình đẳng giới và phát triển kinh tế bền vững có thể giúp các nước nghèo trở thành động lực tăng trưởng. Nhưng để làm được điều đó, thế giới cần cùng nhau hành động.

“Đây là dịp để tôn vinh sự đa dạng, nhìn nhận tính nhân văn của chúng ta và kinh ngạc trước sự tiến bộ trong y tế đã giúp con người sống lâu hơn, giảm mạnh tỉ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ em. Nhưng cùng lúc, nó cũng là lời nhắc nhở cho chúng ta về trách nhiệm chung trong việc chăm lo cho hành tinh và là khoảnh khắc để suy ngẫm về những cam kết mà chúng ta vẫn chưa làm được”, ông Guterres nói.

Thế giới ra sao với 8 tỉ người? - Ảnh 4.

Thế giới khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn nhưng cũng nảy sinh nhiều thách thức. Trong ảnh: một nhóm trẻ em bị mất nhà cửa trong đợt lũ ở Pakistan vào tháng 9-2022 – Ảnh: AFP

Người nghèo sinh nhiều con

Theo báo cáo của LHQ, người dân ở các quốc gia có mức sinh sản cao nhất lại là những nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất. Thời gian qua cũng như trong tương lai sự gia tăng dân số toàn cầu ngày càng tập trung ở các nước nghèo nhất thế giới, trong đó hầu hết quốc gia nằm tại vùng Hạ Sahara ở châu Phi. Và chính tốc độ gia tăng dân số nhanh liên tục ở các quốc gia này có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). LHQ đánh giá SDG vẫn là con đường tốt nhất của thế giới hướng tới một tương lai hạnh phúc và khỏe mạnh.

Cũng theo LHQ, trong thời gian qua phải mất 12 năm thì dân số toàn cầu mới tăng từ 7 lên 8 tỉ người. Thế nhưng LHQ dự báo sẽ mất khoảng 15 năm nữa (tức đến năm 2037) dân số thế giới mới đạt mốc 9 tỉ người. Đây là dấu hiệu cho thấy tốc độ gia tăng dân số toàn cầu chậm lại trong tương lai. Sự gia tăng dân số chậm hơn trong nhiều thập niên tới có thể giúp giảm thiểu các thiệt hại môi trường trong tương lai.

BÌNH AN

 

Người Việt sẽ… già trước khi giàu

Với mức gia tăng như hiện nay, dân số Việt Nam sẽ đạt mốc 100 triệu người vào năm 2023.

 

4 thách thức đặt ra

Theo các chuyên gia cũng như đánh giá của Cục Dân số, có bốn thách thức mà ngành dân số Việt Nam đang gặp phải. Cụ thể, thứ nhất đó là tuổi thọ bình quân tăng, đạt mức xấp xỉ 74 tuổi, cao hơn so với các nước có cùng điều kiện kinh tế, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi.

Thứ hai là tỉ số giới tính khi sinh, mặc dù đã có nhiều can thiệp về chính sách như cấm công bố giới tính trước sinh, nhưng thực tế không thực hiện được yêu cầu này. Tỉ số giới tính khi sinh của trẻ em mới sinh năm 2021 là 112 trẻ trai/100 trẻ gái.

Với tốc độ này và nếu các biện pháp can thiệp tiếp tục không hiệu quả, Việt Nam sẽ thừa 2,3 – 4,3 triệu nam giới vào năm 2050. Lúc đó có thể nam giới Việt Nam sẽ gặp các vấn đề như Hàn Quốc, Trung Quốc đang gặp hiện nay là khi đến tuổi kết hôn không tìm được bạn đời, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội.

Thứ ba, đó là vấn đề già hóa dân số nhanh. Các chuyên gia đã dự báo người Việt có thể sẽ “già trước khi giàu”. Tỉ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (và có lương khi về già) hiện mới ở mức trên 33% lực lượng lao động trong độ tuổi. Như vậy còn một tỉ lệ đáng kể người lao động không có thu nhập khi về già.

Hoinguoicaotuoi

Hội viên Hội người cao tuổi quận 10 tham gia Ngày hội yoga, dưỡng sinh TP.HCM 2022 – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Quỹ dân số thế giới đánh giá Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2019, người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số, nhưng đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Như vậy, đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra do giảm tỉ lệ tử vong, tăng tuổi thọ và giảm mạnh tỉ lệ sinh.

Thứ tư là Việt Nam chưa khai thác tốt lợi thế của thời kỳ dân số vàng, là giai đoạn số người trong độ tuổi lao động (15 – 64 tuổi) cao gấp đôi so với nhóm phụ thuộc (dưới 15 và trên 64 tuổi). Theo Cục Dân số, Việt Nam đã bước vào giai đoạn dân số vàng từ 2007 và dự báo giai đoạn này kéo dài đến 2038. Nhiều chính sách đã được ban hành để tận dụng cơ hội dân số vàng, tuy nhiên vướng mắc về tỉ lệ lao động đã qua đào tạo, chất lượng nhân lực và năng suất lao động còn nhiều hạn chế, lực lượng lao động dồi dào nhưng giá nhân công rẻ.

Theo Cục Dân số, năng suất lao động ở Việt Nam kém xa so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc… Hơn nữa, có 54% người lao động tham gia làm việc ở khu vực phi chính thức, thu nhập chưa ổn định.

 

Tỉ lệ sinh con ở TP.HCM thấp

Ông Phạm Chánh Trung, chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết trong năm năm qua, TP.HCM đã có những nét chuyển biến rất tích cực trong thực hiện các mục tiêu về dân số. Quy mô dân số TP hiện có xu hướng tăng chậm, tính đến cuối năm 2021 quy mô dân số là 9.166.840 người, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,74%, tỉ lệ tăng dân số cơ học là 1,3%. Tỉ lệ sinh của người dân TP.HCM đang có xu hướng tăng mặc dù vẫn còn rất thấp so với cả nước.

Năm 2017 tỉ lệ sinh của người dân TP.HCM là 1,35 và đến năm 2021 là 1,48 con/phụ nữ, phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2030 là 1,6 con/phụ nữ. Tỉ số giới tính khi sinh hằng năm được duy trì ở mức hợp lý, từ 106 – 107 trẻ trai/100 trẻ gái.

Ông Trung nhận định bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, công tác dân số tại TP trong năm năm qua cũng bộc lộ các tồn tại, khó khăn được xác định rõ để có thể tìm kiếm các giải pháp khắc phục. Cụ thể, tỉ lệ sinh con của người dân TP mặc dù có sự cải thiện nhưng hiện vẫn ở mức rất thấp so với cả nước. TP hiện đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, TP có mức sinh thấp. Mức sinh thấp tại TP.HCM kéo dài sẽ làm quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Cũng theo ông Trung, là một TP lớn nhất cả nước, TP.HCM có dân số đông, mật độ dân số cao (4.374 người/km2, số liệu năm 2021), biến động dân cư rất lớn, phân bố dân cư không đều, tốc độ đô thị hóa nhanh, các vấn đề liên quan đến dân số và phát triển như nhà ở, việc làm, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh… được nhiều nghiên cứu khoa học và thực tế công tác quản lý xác định là những áp lực khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về dân số.

Chỉ số già hóa (tỉ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của TP là 49,4%, cao hơn so với số liệu của cả nước là 48,8% (Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Già hóa dân số sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó đặc biệt tác động đến thị trường lao động, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…

Ngoài ra, việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi còn bị giới hạn, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng.

Để góp phần giải quyết các mặt còn hạn chế, theo ông Trung, công tác dân số tại TP tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, điều chỉnh các chính sách trong lĩnh vực dân số thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của TP. Trong đó ưu tiên các nhóm chính sách nhằm giải quyết nhiệm vụ trọng tâm các vấn đề mới như mức sinh thấp; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số; sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (từ 15-11 là Cục Dân số thuộc Bộ Y tế), dân số Việt Nam năm 2021 là 98,5 triệu người, tăng 923.500 người so với 2020 (tăng 0,95%).

Năm 2021, trong 98,5 triệu người Việt có 36,6 triệu người sống tại thành thị (37,1%), còn lại sống ở nông thôn. Về giới, có 49,1 triệu nam giới (49,8%); 49,4 triệu là nữ giới (50,2%). Tỉ số giới tính 99,4 nam/100 nữ. Mức sinh là 2,11 con/phụ nữ.

Cũng theo số liệu của năm 2021, dân số thành thị tại TP.HCM là 7.066.180 người, dân số nông thôn là 2.100.660 người. Dân số TP tập trung tại các quận trung tâm với mật độ dân số rất cao như quận 4, quận 10, quận 11 và quận 3. Trong khi đó, huyện Củ Chi, Cần Giờ có mật độ dân số khá thấp, tương ứng là 1.083 người/km2 và 108 người/km2.

 

L.ANH – T.DƯƠNG

TRẦN PHƯƠNG
TTO