Học sinh bất ngờ với các trò chơi vận dụng kiến thức tại ngày hội toán học
Học sinh bất ngờ với các trò chơi vận dụng kiến thức tại ngày hội toán học
‘Mình làm xong rồi nè… Ủa mà như vậy là hằng ngày mình ăn uống thiếu chất dinh dưỡng hả’ – Ngọc Anh, học sinh lớp 7 Trường THCS Lương Thế Vinh, quận 3, TP.HCM, tròn xoe mắt ngạc nhiên khi nhìn kết quả trò chơi ‘Em làm nhà dinh dưỡng’.
Đây là lần đầu tiên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 tổ chức Ngày hội toán học nhằm tạo sân chơi lành mạnh, tạo cơ hội giao lưu kiến thức toán học, phát huy khả năng tư duy logic, sáng tạo, cũng như sự yêu thích môn toán cho học sinh. Đây cũng là cơ hội để các em vận dụng kiến thức đã học trong nhà trường vào cuộc sống thực tế.
Ông Phạm Đăng Khoa, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3, TP.HCM
Đó là một trong 20 trò chơi tại Ngày hội toán học do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3, TP.HCM tổ chức ngày 5-11, với sự tham dự của hơn 1.000 học sinh từ lớp 5 đến lớp 9 trên địa bàn quận 3.
Những kiến thức và kỹ năng của môn toán được lồng vào các trò chơi khác nhau khiến nhiều học sinh thích thú.
Ở gian hàng của Trường THCS Bạch Đằng, nhiều học sinh hào hứng làm “nhà dinh dưỡng” đến mức ban tổ chức phải kê thêm ghế ở phía sau cho các em có chỗ tham gia trò chơi: dựa vào cân nặng, chiều cao, số tuổi của bản thân, các học sinh sẽ tính chỉ số BMR (Basal Metabolic Rate: tỉ lệ trao đổi chất cơ bản trong cơ thể con người. Chỉ số này cho biết mức năng lượng tối thiểu mà cơ thể cần có).
Sau đó, dựa vào bảng thực đơn cho sẵn, học sinh sẽ chọn món ăn cho mình trong một ngày để đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của cơ thể.
Tại ngày hội, nhiều học sinh đã cười phá lên sau khi phát hiện các món mình ăn hằng ngày… vượt gấp đôi nhu cầu năng lượng của cơ thể.
Ngọc Hân, học sinh lớp 9 Trường THCS Hai Bà Trưng, chia sẻ: “Em rất bất ngờ với trò chơi này. Nó không chỉ thú vị mà còn rất bổ ích với chúng em. Sau hôm nay, em sẽ bớt ăn đồ ngọt lại…”.
Trong khi đó, ở gian hàng của Trường THCS Đoàn Thị Điểm, trò chơi tính thể tích của một vật bất kỳ (do học sinh tự chọn lựa trên bàn) khiến nhiều em… toát mồ hôi.
Trâm Anh, học sinh lớp 6 Trường THCS Hai Bà Trưng, cần mẫn cầm thước đo chiều rộng, chiều cao của hồ nước, rồi cẩn thận bỏ cục gạch vào hồ nước và tiếp tục đo.
Tìm ra thể tích của cục gạch một cách chính xác, Trâm Anh cười rất tươi khi nhận quà thưởng: “Em đã chơi nhiều trò tại ngày hội, em thấy rất vui vì không chỉ được chơi mà còn phát hiện ra kiến thức toán học có thể vận dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như thế”.
Nhận xét về ngày hội, ThS Dương Bửu Lộc – chuyên viên môn toán Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM – cho hay: “Những trò chơi của ngày hội được thể hiện khá sinh động, thu hút, yêu cầu học sinh phải vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Mô hình ngày hội toán học như thế này cần nhân rộng bởi nó mang ý nghĩa rất tích cực, thể hiện đúng chủ trương đổi mới của ngành: dạy học để phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh”.