23/12/2024

Xử lý nghiêm sai phạm, minh bạch nền kinh tế

Xử lý nghiêm sai phạm, minh bạch nền kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ‘không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực’, bởi lẽ làm như vậy không chỉ nhằm phát triển lành mạnh, bền vững các thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững.

 

 

Chủ động, linh hoạt, không điều hành giật cục

Chiều 5.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo giải trình các vấn đề đại biểu (ĐB) Quốc hội quan tâm qua 2 ngày tiến hành chất vấn, đồng thời trả lời chất vấn các ĐB.

Xử lý nghiêm sai phạm, minh bạch nền kinh tế - ảnh 1
 Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 5.11 TTXVN – NHẬT BẮC

Báo cáo giải trình các nội dung ĐB Quốc hội quan tâm, Thủ tướng cho hay, so với báo cáo trình Quốc hội đầu kỳ họp, đến nay tình hình thế giới đã có nhiều điểm mới; các yếu tố rủi ro gia tăng, nhất là về kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ; suy giảm tăng trưởng và nguy cơ suy thoái rõ nét hơn. Đánh giá điều hành kinh tế vĩ mô sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng cho hay thời gian tới tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không hoang mang, dao động; ngược lại, phải bình tĩnh, linh hoạt, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Nhiều cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới trải đinh”, vẫn còn tư tưởng “làm ít, sai ít”?

ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh)

“Kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành giật cục”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong quá trình phát triển nền hành chính lớn lên cùng với đất nước, lớn lên cùng với sự phát triển chung thì chúng ta cũng phải kiên trì. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là trì trệ, vẫn phải hoàn thiện thể chế, áp dụng nhiều biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài và có cơ chế, chính sách để khuyến khích.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (DN), bất động sản, Thủ tướng đánh giá thời gian gần đây các thị trường này “tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro”. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu huy động vốn của DN tăng cao trong khi tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; đa số các nhà đầu tư là nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế; một số ít DN vi phạm quy định trong phát hành trái phiếu. Thị trường bất động sản có cơ cấu chưa hợp lý, mặt bằng giá tăng cao và thanh khoản gặp khó khăn…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, DN và sửa một số nghị định, thông tư liên quan. Bên cạnh đó, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ của các DN, đối tác tham gia thị trường. Rà soát, có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đầu tư, cung cấp dịch vụ. Kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các DN bất động sản. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản ở khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người yếu thế với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thủ tướng nhấn mạnh “không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực”. Bởi lẽ làm như vậy không chỉ để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế; mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, DN chân chính hoạt động an toàn, bền vững.

 

Vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng

Trong phần chất vấn, ĐB Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đề nghị Thủ tướng cho biết mục tiêu về tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 4,5% năm 2023 liệu có khả thi khi thực tiễn thời gian qua, lạm phát toàn cầu tăng mạnh, tính đến quý 2/2022 là 7,8%; còn Mỹ là 8,2%, các nước sử dụng đồng tiền chung euro lên tới 10% trong tháng 9. Ngược lại, VN là quốc gia có nền kinh tế có độ mở vào diện cao nhất thế giới. Rất nhiều nguyên vật liệu đầu vào để phát triển KT-XH phụ thuộc vào nhập khẩu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng cao. Bên cạnh đó là xung đột Nga và Ukraine, Trung Quốc đang thực hiện chính sách “zero Covid” đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Hồi đáp ĐB Ngọc, Thủ tướng nhấn mạnh, vừa qua chúng ta kiên trì mục tiêu là nền tảng vĩ mô, trong đó có kiểm soát lạm phát. Với kiểm soát lạm phát, Thủ tướng cho rằng có 2 nội hàm quan trọng, một là “cầu kéo”, hai là “cung đẩy”. “Chống lạm phát thì phải làm sao “cầu kéo” phải giảm đi; “cung đẩy” từ bên ngoài làm sao cho hợp lý. Tức là phải tìm điểm cân bằng giữa “cầu kéo”, “cung đẩy”. Chúng ta lựa chọn mục tiêu thế nào để vừa kiểm soát được lạm phát nhưng vừa thúc đẩy tăng trưởng. Đây là một điểm cân bằng rất quan trọng”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, với kinh nghiệm nhiều năm kiểm soát lạm phát, chúng ta phân tích được những “rổ hàng” tác động đến tình hình lạm phát trong nước, trong đó rổ lớn nhất là vấn đề ăn uống, sau đó đến xây dựng, trang thiết bị đồ gia dụng, ăn mặc, giáo dục, y tế. Các rổ hàng này chiếm tỷ trọng lớn, nên trong kiểm soát lạm phát cần tập trung các lĩnh vực này. Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm của VN là chúng ta tự chủ lương thực thực phẩm, với nông nghiệp là trụ đỡ, tích cực rà soát giá của nhiên liệu, vật liệu…

Con người vận hành bộ máy sẽ quyết định

ĐB Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) chất vấn về việc Chính phủ chậm trễ ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành. “Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân của việc chậm trễ nêu trên và Thủ tướng Chính phủ có giải pháp căn cơ gì để chỉ đạo các bộ, ngành sớm ổn định tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công”, ĐB Kim Anh hỏi.

Trả lời nội dung này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tổ chức thực hiện và đang phấn đấu trong tháng 11, cùng lắm là đến nửa tháng 12 sẽ hoàn thành các nghị định nói trên với tinh thần bám sát Nghị quyết 18, 19 của T.Ư khóa XII là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thủ tướng cho hay, so với thời gian, yêu cầu thì cũng chậm nhưng dự kiến sẽ giảm được 17 tổng cục, 8 cục và giảm được hơn 100 vụ. “Tuy có chậm nhưng lấy chất lượng, hiệu quả bù lại. Còn tất nhiên cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức thì phải tiếp tục. Khi bộ máy có rồi thì con người vận hành bộ máy sẽ là quyết định”, Thủ tướng nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đề nghị Thủ tướng cho biết kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, khó khăn, vướng mắc và biện pháp tháo gỡ.

Trả lời câu hỏi, Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm. “Ai cũng thấy cần phải phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới. Đây là 2 vấn đề phải song song với nhau”, Thủ tướng nói và khẳng định, hiện nay Chính phủ cũng rất muốn phân cấp, phân quyền nhưng đang vướng một số luật. Do đó, phải rà soát lại một số văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở thực tiễn mình phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực hợp lý. “Đây cũng là điểm nghẽn cần phải tháo gỡ”, Thủ tướng nói.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) nêu thực trạng sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, khối lượng công việc ở chính quyền cấp cơ sở, nhất là cấp xã, tăng lên dẫn đến tình trạng quá tải. “Hiện nay, một công chức văn hóa xã hội cấp xã phải thực hiện nhiệm vụ ở 17 lĩnh vực, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thực thi công vụ. Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm và lộ trình để giải quyết một cách hài hòa vấn đề này?”, ĐB Thoa nêu.

Giải đáp câu hỏi này, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm thực hiện Nghị quyết 18, 19 của T.Ư khóa XII về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế song phải sát với tình hình thực tế. “Hiện nay chúng ta đang có chính sách cho cả hệ thống. Thiết kế chung thì được nhưng thiết kế đặc thù thì chưa được”, Thủ tướng nói và cho rằng cần phải rà soát các điểm đặc thù giữa các loại hình, vùng miền để dung hòa, cân bằng.

 

VN không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải

ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng hoạt động đối ngoại của VN đã thành công rực rỡ nhờ kiên định, linh hoạt và mềm dẻo. Song hiện tại thế giới diễn biến hết sức khó lường, khó đoán định, ĐB đề nghị Thủ tướng cho biết một số định hướng đối ngoại cơ bản thời gian tới.

Theo Thủ tướng, đất nước có 2 việc lớn là đối nội và đối ngoại, “giữ nước và chăm dân”. Định hướng đối ngoại trong Đại hội Đảng XIII cũng như Hiến pháp đã xác định rõ theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Trên thực tế, vừa qua VN đã thực hiện đường lối đối ngoại với 3 trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, thu được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong ứng xử với những vấn đề quốc tế phức tạp vừa qua, ví dụ như vấn đề Ukraine. “Đường lối đối ngoại của chúng ta là không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải”, Thủ tướng nhấn mạnh và biểu dương Bộ Ngoại giao trong nỗ lực ngoại giao vắc xin, đáp ứng được việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân nhưng vẫn tiết kiệm được kinh phí.

 

LÊ HIỆP – MAI HÀ

TNO