25/12/2024

Xăng dầu ‘nóng’ ở miền Nam, tuần tới bộ trưởng Bộ Công Thương thị sát kho xăng dầu Nhà Bè

Xăng dầu ‘nóng’ ở miền Nam, tuần tới bộ trưởng Bộ Công Thương thị sát kho xăng dầu Nhà Bè

Theo dự kiến, ngày 19-10, bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ trực tiếp đi thị sát kho dự trữ xăng dầu tại Nhà Bè để hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu.

Xăng dầu nóng ở miền Nam, tuần tới bộ trưởng Bộ Công Thương thị sát kho xăng dầu Nhà Bè - Ảnh 1.

Kho xăng dầu Nhà Bè là kho dự trữ lớn xăng dầu quốc gia – Ảnh: Petrolimex

Theo công văn được Bộ Công Thương gửi tới Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), thông báo về kế hoạch của đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với các đơn vị về bảo quản mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trực tiếp chủ trì buổi làm việc này.

Chương trình công tác này nhằm thực hiện các văn bản có liên quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ về hoạt động chất vấn, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan để rà soát thực trạng kho, bể chứa và công tác bảo quản mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia để tổng hợp hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu trình Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến chương trình làm việc sẽ diễn ra trong một tuần tới, tức là vào ngày 19-10, tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè (TP.HCM) thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 2. Như vậy, chương trình khảo sát này dự kiến sẽ được bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện sau khi đi công tác nước ngoài.

Nội dung buổi làm việc sẽ là khảo sát hiện trạng kho, bể chứa của doanh nghiệp và công tác bảo quản mặt hàng xăng dầu; cũng như việc chấp hành các quy định của Nhà nước đối với công tác dự trữ quốc gia xăng dầu.

Từ đó thảo luận về các định hướng phát triển kinh doanh, phát triển hệ thống kho, bể chứa của doanh nghiệp cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu cho Nhà nước thuê kho trong thời gian tới.

Buổi làm việc cũng sẽ nêu ra những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của doanh nghiệp trong công tác bảo quản hàng xăng dầu dự trữ quốc gia.

Xăng dầu nóng ở miền Nam, tuần tới bộ trưởng Bộ Công Thương thị sát kho xăng dầu Nhà Bè - Ảnh 2.

Ảnh: NGỌC HIỂN

Báo cáo trước đó của Bộ Công Thương cho hay, bình quân 5 năm qua dự trữ xăng dầu quốc gia đạt hơn 370.000m3 mỗi năm. Số lượng này tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng, và 6,5 ngày tiêu thụ, là thấp so với nhu cầu thực tế.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nếu như mức bình quân của các nước khoảng 20 – 30 ngày, thì mức dự trữ hiện tại của Việt Nam chỉ bằng 1/3 – 1/8. Trong 5 năm qua, mặc dù Việt Nam chưa phải xuất kho hàng dự trữ quốc gia cho tình huống đột xuất, khẩn cấp, bộ này cho rằng tới đây cần tăng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia để đáp ứng yêu cầu khi có tình huống đột xuất xảy ra trước những diễn biến phức tạp, khó đoán định của tình hình thế giới, khu vực.

Hiện hàng dự trữ xăng dầu quốc gia vẫn được tồn trữ tại 24 kho trên cả nước của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn. Nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp, trả phí theo định mức.

Do điều kiện và nguồn lực đầu tư Nhà nước hạn chế, chưa có kinh phí đầu tư kho riêng, hàng này được luân phiên đảo theo chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp, Nhà nước không trả phí.

Việc dự trữ xăng dầu mỏng dẫn tới tình huống trong nhiều giai đoạn thị trường biến động, nhu cầu tăng cao hoặc khi thế giới bất ổn về nguồn cung, còn trong nước gặp trục trặc…, điều hành xăng dầu gặp khó khăn.

Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng đề án xây dựng kho xăng dầu dự trữ quốc gia, với công suất dự trữ có thể nâng lên một tháng, gấp khoảng 4 lần hiện nay và thực hiện từ nay.

Trong bối cảnh tình hình thị trường xăng dầu miền Nam căng thẳng, việc cung ứng xăng dầu gặp khó khăn khi nhiều cửa hàng bán lẻ tạm ngưng bán hàng, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thì chương trình làm việc của bộ trưởng Bộ Công Thương dự kiến diễn ra trong tuần tới rất được quan tâm.

Với nguồn xăng dầu quốc gia dự trữ còn thấp như hiện nay, việc phải nâng cấp kho dự trữ xăng dầu quốc gia, nâng công suất dự trữ là cần thiết, đặc biệt khi cung cầu, giá cả thị trường xăng dầu biến động như hiện nay.

NGỌC AN
TTO