22/01/2025

Tại sao ngủ đủ giấc nhưng mắt vẫn có quầng thâm?

Tại sao ngủ đủ giấc nhưng mắt vẫn có quầng thâm?

Quầng thâm thường là dấu hiệu phổ biến cho thấy sự mệt mỏi và thiếu ngủ. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất.

Tại sao ngủ đủ giấc nhưng mắt vẫn có quầng thâm? - Ảnh 1.

Dùng mỹ phẩm che khuyết điểm có thể phần nào giúp bạn che đi vùng thâm dưới mắt – Ảnh: iStock

Quầng thâm dưới mắt là vùng da bên dưới mắt của bạn trông bị sẫm màu hơn các vùng khác trên mặt. Khu vực này có thể xuất hiện dưới dạng các sắc thái xanh, tím, nâu hoặc đen, tùy thuộc vào màu da tự nhiên của bạn.

Quầng thâm dưới mắt có thể khiến bạn trông mệt mỏi hoặc già hơn tuổi. Trái với suy nghĩ của nhiều người, mệt mỏi thiếu ngủ không thực sự là một trong những nguyên nhân chính gây nên quầng thâm dưới mắt.

Lão hóa tự nhiên: Khi chúng ta già đi, collagen và elastin trong da bắt đầu giảm và có thể ảnh hưởng đến màu sắc của vùng mắt dưới. Các mạch máu dưới mắt lộ rõ ​​hơn, dễ nổi bọng mắt hơn.

Làm việc căng thẳng: Dành quá nhiều thời gian làm việc với màn hình máy tính và điện thoại sẽ bị mỏi mắt, khiến mắt thâm quầng và mệt mỏi. Khi chúng ta cố gắng căng mắt để chống lại sự mệt mỏi sẽ làm cho các mạch máu dưới và xung quanh mắt giãn ra, làm cho quầng thâm nổi rõ hơn và dẫn đến đôi mắt của bạn trông như mấy ngày rồi chưa ngủ.

Dị ứng: Dị ứng có thể gây ra rất nhiều vấn đề, bao gồm cả quầng thâm mắt. Dị ứng sẽ giải phóng một chất hóa học gọi là histamine, làm giãn mạch máu nhỏ dưới mắt và đó là lý do tại sao đôi mắt có thể trông tối hơn khi bạn bị dị ứng. Dị ứng cũng có thể khiến ngứa mắt, dẫn đến bọng mắt và viêm khi ta dụi mắt.

Chế độ ăn nhiều muối và hút thuốc lá: Một số chế độ ăn uống có nhiều muối sẽ khiến cơ thể giữ nước và gây ra bọng dưới mắt. Trong khi đó, hút thuốc lá làm giảm độ đàn hồi của da và có thể khiến vùng da dưới mắt bị mỏng và lão hóa sớm.

Gặp vấn đề sức khỏe: Một số tình trạng bệnh lý cũng có thể dẫn đến quầng thâm dưới mắt. Bệnh tuyến giáp có thể gây ra quầng thâm và bọng dưới mắt do cơ thể có xu hướng tích nước khi mắc bệnh. Thiếu máu có thể gây ra quầng thâm dưới mắt vì cơ thể không thể cung cấp đầy đủ oxy cho các mô khiến da sẫm màu hơn.

Làm gì để giảm quầng thâm?

Quầng thâm mắt không phải là vấn đề sức khỏe quá nghiêm trọng, nhưng sẽ ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ. Bước đầu tiên để loại bỏ quầng thâm là ngủ đầy đủ và ăn uống khoa học, sau đó cố gắng xác định các yếu tố nguyên nhân có thể có.

Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể bao gồm: ngủ đủ giấc, ngủ gối cao để ngăn chất lỏng tích tụ dưới mắt vào ban đêm có thể giúp giảm bọng mắt, chườm lạnh lên mắt để giúp thu nhỏ các mạch máu bị giãn, massage quanh vùng mắt có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu và sử dụng kem che khuyết điểm có màu sắc hài hòa với làn da để che đi quầng thâm.

MINH HẢI (Theo Clevelandclinic)
TTO