28/11/2024

Ô nhiễm không khí – thủ phạm của bệnh hô hấp

Ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng (cấp thời, lâu dài) đến sức khoẻ con người (đặc biệt ở trẻ sơ sinh, người già, người mắc các bệnh mạn tính về hô hấp, tim mạch…) như thế nào?

 

Ô nhiễm không khí – thủ phạm của bệnh hô hấp

Ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng (cấp thời, lâu dài) đến sức khoẻ con người (đặc biệt ở trẻ sơ sinh, người già, người mắc các bệnh mạn tính về hô hấp, tim mạch…) như thế nào?

Ô nhiễm không khí - thủ phạm của bệnh hô hấp - Ảnh 1.

Những khu vực không khí bị ô nhiễm cao tại TP.HCM. Số liệu thống kê của trung tâm quan trắc môi trường TP.HCM (tính đến tháng 2-2017) – Đồ hoạ: Bích Thảo – Việt Thái

 

PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, trưởng Khoa Hô hấp – Bệnh viện Chợ Rẫy, chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, cho biết:

  

-  Ô nhiễm không khí tác động trực tiếp đến cơ quan hô hấp. Những bệnh có liên quan trực tiếp đến ô nhiễm không khí như: hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi… đều gia tăng tần suất. 

Đặc biệt, với những người có bệnh mạn tính về hô hấp như hen, COPD… dễ bị các đợt kịch phát cấp tính làm cho chức năng hô hấp ngày càng xấu đi, giảm chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ.

* Thưa bác sĩ, qua thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ có cảnh báo gì về các bệnh do ô nhiễm không khí gây ra? Người bệnh nên đi khám khi gặp các triệu chứng nào? 

– Những bệnh nhân có bệnh hô hấp mạn tính thường được bác sĩ tư vấn nên tránh các yếu tố nguy cơ như ô nhiễm không khí, khói thuốc lá… Môi trường sống xung quanh nhà bị ô nhiễm từ không khí, nguồn nước, kênh rạch… làm bệnh nặng hơn, dễ vào đợt kích phát hơn. 

Nếu có ho kéo dài hơn 2 tuần lễ không hết thì nên đi khám chuyên khoa hô hấp để bác sĩ chẩn đoán sớm và chính xác nguyên nhân bệnh và điều trị kịp thời, vì ho là triệu chứng không đặc hiệu cho bệnh hô hấp nào. 

Những bệnh nhân đã có bệnh hô hấp mạn tính có sẵn nên khám chuyên khoa ngay khi thấy ho, sốt, khó thở gia tăng.

* Các giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm và mỗi chúng ta tự bảo vệ mình bằng cách nào (trong nhà, khi ra đường)? Một số bà mẹ đẩy xe nôi, bế trẻ sơ sinh tắm nắng bên vỉa hè đầy khói xe, bụi… Việc tập thể dục, chạy bộ mỗi sáng nhằm tăng cường sức khoẻ, nhưng nếu ở khu vực không khí quá ô nhiễm thì phải làm sao?

– Vệ sinh trong nhà và môi trường xung quanh rất quan trọng trong phòng bệnh đường hô hấp. 

Tốt nhất bạn nên chọn những nơi không khí không bị ô nhiễm (công viên, những nơi xa chỗ xe chạy, sân vận động) để phơi nắng cho trẻ hay tập thể dục, thể thao

* Nhiều người có thói quen cứ ra đường là mang khẩu trang cho yên tâm, nhưng liệu có ngăn chặn được hoàn toàn những hạt bụi nhỏ li ti, các khí độc hại? Chưa kể dùng khẩu trang nhiều lần không thay, không giặt – có ảnh hưởng sức khoẻ ra sao?

– Khẩu trang bình thường không giúp bảo vệ chống bệnh lý từ ô nhiễm môi trường hay các chất khí độc hại, đôi khi chính khẩu trang đó là vật mang mầm bệnh như vi khuẩn, nấm khi sử dụng nhiều lần không thay mới.

* Vậy theo BS, có cách nào để mỗi người, các bậc cha mẹ tự bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và con em – trong khi chờ các giải pháp của Nhà nước nhằm hạn chế các nguồn gây ô nhiễm cho cộng đồng trong tương lai?

– Bạn hãy thường xuyên vệ sinh sạch sẽ trong nhà (bụi, côn trùng, vật nuôi…) và môi trường sống quanh nhà. Không hút thuốc trong nhà, không vứt rác bừa bãi ra quanh nhà hay xuống kênh rạch chính là đã tự bảo vệ sức khoẻ của minh và người thân. 

Cần tập thể dục, thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc, ăn nhiều rau, trái cây, chủng ngừa…nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể.