Rèn luyện kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, giải quyết xung đột cho học sinh
Rèn luyện kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, giải quyết xung đột cho học sinh
Chú trọng rèn luyện kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột nhằm giảm trầm cảm, lo âu, bạo lực… cho học sinh, là nội dung Bộ GD-ĐT yêu cầu trong thời gian tới.
Bộ GD-ĐT vừa có quyết định ban hành Kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025 nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần đối với trẻ em, học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học, cha mẹ học sinh…
Lứa tuổi học sinh dễ bị lo âu, trầm cảm Đ.N.T |
Kế hoạch này là nhằm tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây rối loạn sức khỏe tâm thần bao gồm tâm thần phân liệt, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, động kinh, trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ, nạn nhân của sự xâm hại, bạo lực gia đình và học đường… trong trường học.
Ngoài yêu cầu các cơ sở giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh về sức khỏe tâm thần, Bộ còn yêu cầu lồng ghép nội dung giáo dục về sức khỏe tâm thần vào các chương trình đào tạo giáo viên ở các trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành sư phạm.
Bên cạnh đó, các trường phải tổ chức các hoạt động giáo dục kiến thức, các kỹ năng cho học sinh về sức khỏe tâm thần, chú trọng rèn luyện kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột và duy trì các mối quan hệ lành mạnh nhằm giảm trầm cảm, lo âu, bạo lực, bắt nạt, giận dữ đối với học sinh.
Việc tổ chức đánh giá sức khỏe định kỳ, kết hợp lồng ghép các hoạt động sàng lọc nhằm phát hiện sớm các vấn đề và các yếu tố nguy cơ của rối loạn sức khỏe tâm thần học sinh cũng được Bộ nhấn mạnh. Đặc biệt là chú trọng đến yếu tố giới và nhạy cảm về giới của học sinh để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
MỸ QUYÊN
TNO