Vận tải, hàng hoá dè dặt giảm

Vận tải, hàng hoá dè dặt giảm

Trả lời Thanh Niên, một số đơn vị xe khách tại Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây (TP.HCM) cho biết có giảm giá cước vận tải khoảng 5 – 10% trong vòng 1 tháng qua.

 

 

Chẳng hạn, tuyến chở khách từ TP.HCM – Vũng Tàu với xe 9 chỗ từ 190.000 đồng/người giảm xuống 180.000 đồng/người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2/10 nhà xe giảm với mức khiêm tốn này, còn lại hầu hết giữ giá cũ 190.000 đồng/người và đây là mức tăng từ đầu năm đến nay.

Tương tự, cước xe taxi vẫn chưa thấy rục rịch giảm giá dù cách đây 1 tháng, lãnh đạo một hãng taxi lớn tại TP.HCM khẳng định với Thanh Niên là khi giá xăng giảm 10% thôi, cước taxi đã giảm được 500 đồng/km rồi.

Vận tải, hàng hóa dè dặt giảm - ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, cho biết giá cước của công ty đã giảm 20.000 đồng/tấn. Cụ thể, từ mức 180.000 đồng/tấn hàng hóa từ TP.HCM đi Vũng Tàu trước đó thì nay còn 160.000 đồng/tấn. Từ trước đến nay, khi nào xăng dầu biến động giá tổng cộng ở mức 10% thì công ty cũng sẽ điều chỉnh cước vận tải tương ứng khoảng 3% do chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành. Ông Thanh cũng cho rằng mức giảm hiện nay đã đưa giá vận tải về ngang bằng lúc giá xăng chỉ ở mức 20.000 đồng/lít. Điều này khiến công ty vẫn phải chịu lỗ khoảng 3.000 – 4.000 đồng chi phí nhiên liệu cho 100 km.

Theo ông, có thể cơ cấu giá xăng dầu trong mỗi ngành hàng mỗi khác, nhưng nếu như Chính phủ mạnh tay giảm các loại thuế cho xăng dầu để kéo giảm giá quay trở lại như cuối năm vừa qua thì chắc chắn giá nhiều hàng hóa sẽ đồng loạt giảm.

Tương tự theo ông Bùi Thanh Tùng, Tổng giám đốc điều hành Công ty CP dầu thực vật Tường An, cho biết giá xăng dầu có xu hướng giảm về mức giá trước khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine. Song song đó, giá nguyên liệu dầu thế giới cũng có xu hướng giảm nhẹ. Tuy vậy, bên cạnh giá nguyên liệu, Tường An hiện nay cũng chịu tác động nhất định trước sự biến động và chênh lệch tỷ giá giữa USD và VND, cũng như dầu chốt mua sau một thời gian nhất định mới cập cảng, nên mức điều chỉnh giảm vẫn được thực hiện.

Trong khi đó, tuần qua Sở Tài chính TP.HCM đã có văn bản gửi các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường rà soát mức giá bán hiện nay để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với mức biến động giảm giá của xăng dầu trong cơ cấu hình thành giá. Thế nhưng, đại diện một DN tham gia chương trình Bình ổn thị trường của TP.HCM cho hay giá trứng gia cầm vẫn được bán thấp hơn giá thị trường 15 – 20%. Trong lĩnh vực chăn nuôi, chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng không cao, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn còn rất cao đang gây áp lực lớn cho DN.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá sau khi xăng giảm thì cước vận tải hàng hóa nhiều nơi cũng hạ xuống là tất yếu. Trong khi đó, nhiều loại hàng hóa khác vẫn có độ trễ vì còn nhiều yếu tố khác trong cơ cấu giá thành. Ngoài ra, bản chất các DN là khó để giảm giá sau khi đã tăng lên cao, nhất là theo đà lên của xăng dầu trước đây. Chính vì vậy, vai trò của cơ quan quản lý về giá ở các địa phương rất quan trọng. Ông nói: “Ngoài việc khuyến cáo, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát và nắm được giá cả những mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân. Từ đó sẽ đưa ra các biện pháp chấn chỉnh mạnh tay, có thể công bố công khai rằng giá mặt hàng này trước đây đã tăng lên bao nhiêu thì nay đã giảm được bao nhiêu? Hoặc không giảm là vì sao… Việc công khai thông tin giá cả giúp người tiêu dùng có phản ứng với việc các DN “chây ì” không điều chỉnh giá”.

 

M.PHƯƠNG – NG.NGA

TNO