Châu Âu nhất trí giảm tiêu thụ khí đốt
Châu Âu nhất trí giảm tiêu thụ khí đốt
Liên minh châu Âu (EU) nhất trí được kế hoạch giảm tiêu thụ khí đốt 15%, với một số nước ngoại lệ như Cyprus, Malta, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, một ngày trước khi Nga bắt đầu cắt bớt khí đốt cho châu Âu.
“Trong một nỗ lực nhằm tăng cường an ninh nguồn cung năng lượng cho EU, các nước thành viên hôm nay đã đạt được một thỏa thuận chính trị về việc tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên xuống 15% trong mùa đông này”, Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Hội đồng Bộ trưởng EU thông báo ngày 26-7.
Theo hội đồng này, mục đích của việc giảm tiêu thụ khí đốt là nhằm tiết kiệm cho mùa đông sắp tới trong trường hợp nguồn cung từ Nga bị gián đoạn. Theo thỏa thuận, các nước sẽ cắt giảm tiêu thụ trong khoảng thời gian từ tháng 8-2022 đến tháng 3-2023. Một số quan chức cho biết Hungary là nước duy nhất phản đối.
Thỏa thuận cũng được điều chỉnh theo tình hình cụ thể tại mỗi nước với một số ngoại lệ dựa theo nguồn cung hiện tại hoặc mạng lưới đường ống chia sẻ khí đốt. Theo đó, các đảo quốc Ireland, Cyprus, Malta và các nước có mạng lưới nguồn cung liên kết hạn chế như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha sẽ được ngoại lệ.
Trước khi leo thang căng thẳng liên quan đến xung đột ở Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU. Hồi tháng 6-2022, Matxcơva đã giảm lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 40%, với lý do 1 tuabin được sửa chữa ở Canada chưa được đưa trở lại Nga.
Ngày 26-7, Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt chuyển qua đường ống Nord Stream 1. Cụ thể, kể từ sáng 27-7, công suất qua đường ống này sẽ giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu mét khối khí/ngày và lý do là tập đoàn phải sửa chữa 1 tuabin khác.
Các nước châu Âu hiện đang gấp rút tìm kiếm các nguồn thay thế để chuẩn bị cho mùa đông năm nay. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận việc Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga là “một sai lầm chiến lược” và chính phủ đang nỗ lực khắc phục điều này.
Ông nhấn mạnh đây “không chỉ là vấn đề của Đức, mà là vấn đề của Trung – Đông Âu” và các nước “phải cùng nhau giải quyết vấn đề này”.