19/11/2024

Thực phẩm bẩn: Ai chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng?

Thực phẩm bẩn: Ai chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng?

Sau bài ‘Không thể để người dân tiếp tục bị đầu độc!’ (Tuổi Trẻ ngày 18-7), Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM chưa thông tin thêm, trong khi Hà Nội cho biết sẽ công khai vi phạm.

 

 

Thực phẩm bẩn: Ai chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng? - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng thực phẩm khi nhập về chợ truyền thống tại TP.HCM – Ảnh: N.TRÍ

Nhiều đơn vị liên quan vẫn than khó.

 

Chợ đầu mối không kiểm soát chất lượng

Sau khi Ban quản lý an toàn thực phẩm TP công bố gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất, ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết hiện chợ có 278 sạp rau củ trái cây và 100 sạp thịt heo. Đơn vị cố gắng tăng mạnh việc liên kết với địa phương, tăng truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, với lượng hàng lớn và nguồn cung đa dạng, việc truy xuất hầu như chỉ dừng ở khu vực, vùng trồng, chứ không cụ thể đơn vị sản xuất.

Đối với việc lấy mẫu thực phẩm kiểm tra, ông Dũng cho biết hiện cơ quan chức năng chỉ “mạnh tay” theo chuyên đề, các tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn vị từng có kế hoạch hỗ trợ Nhà nước lấy mẫu xét nghiệm, nhưng hiện không thể làm được do chuyên môn và nguồn kinh phí chưa có.

“Là công ty cổ phần nên thu chi phải chi tiết, trong khi đó nguồn thu từ thương nhân hiện phải theo quy định. Trường hợp cần chợ hỗ trợ khâu lấy mẫu xét nghiệm thì nên cần có kế hoạch, chủ trương cụ thể từ TP…”, ông Dũng nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Thành Tân – giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền – cho biết đơn vị chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê ô vựa, không có chuyên môn và trách nhiệm trong việc kiểm định chất lượng hàng hóa thực phẩm, truy xuất.

“Chợ có 1.800 quầy sạp với lượng hàng nhập vào 2.500 tấn hàng/đêm, thương nhân lại không cho biết thông tin mua bán cụ thể vì yếu tố cạnh canh… thì đơn vị chỉ quản lý chung, chứ không thể làm xuể. Nhà nước phải có trách nhiệm liên kết, 63 tỉnh thành phải có phương án liên kết, kiểm soát chất lượng sản xuất từ gốc, chứ ra chợ đầu mối thì chịu”, ông Tân nói.

 

Công khai cơ sở vi phạm trên mạng

Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm có hơn 1.000 cơ sở vi phạm hành chính, 39 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ông Đặng Thanh Phong, chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, cho hay các cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải đóng cửa, yêu cầu buộc phải đạt vệ sinh an toàn thực phẩm mới được mở cửa trở lại dưới sự giám sát của địa phương.

“Hiện nay thông tin về các cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được công bố trên cổng thông tin các quận, huyện quản lý. Người dân có thể theo dõi thông tin trên những kênh này. Hiện website chính thức của chi cục đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến hoạt động trong tuần tới.

Sau khi website đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ thường xuyên đăng tải công khai các thông tin về xử lý an toàn thực phẩm để người dân nắm được. Việc công khai này cũng sẽ giúp răn đe các cơ sở không vi phạm”, ông Phong nói.

Ông Phong thông tin, các lỗi vi phạm chủ yếu là giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý; nơi chế biến có côn trùng…

Theo ông Phong, Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội đang kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh thực phẩm ở các nhà ăn, bếp ăn tập thể, trường học, công ty. Hằng tuần, hằng tháng đều có đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Tuy vậy, đại diện Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cũng cho biết hiện việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn. Đơn vị kiểm tra chủ yếu là khâu cuối cùng, là “lên bàn ăn”. Các sản phẩm trong hệ thống siêu thị là do Sở Công thương quản lý. Chợ đầu mối, chợ dân sinh do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phụ trách…

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm được hiệu quả trong thời gian tới, 3 ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, có kế hoạch kiểm tra chuyên đề…

Đơn cử như ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần kiểm tra riêng những vấn đề từ trang trại đến khâu nuôi trồng. Còn từ trang trại đến khâu lưu thông sản phẩm là ngành quản lý thị trường kiểm soát. Và khi đến bàn ăn thuộc lĩnh vực của ngành y tế.

 

Hà Nội: 2.966 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 6 tháng đầu năm, đã xét nghiệm an toàn thực phẩm tại labo 317 mẫu. Trong đó đạt 307/317 mẫu (chiếm 96,5%) đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích; 10 mẫu phát hiện chỉ tiêu gây mất an toàn thực phẩm, cụ thể: 1 mẫu rau phát hiện hoạt chất bảo vệ thực vật cấm sử dụng haptachlor; 8 mẫu thủy sản phát hiện chất cấm malachite green, leucomalachite green…

699 đoàn thanh tra, kiểm tra đã kiểm tra được 16.294 cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn đường phố, số cơ sở đạt tiêu chuẩn là 13.328 (chiếm tỉ lệ 81,8%), đã phát hiện 2.966 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.140 cơ sở với số tiền phạt là hơn 3,2 tỉ đồng…

NGUYỄN TRÍ – DƯƠNG LIỄU
TTO