Quyền tổng thống Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp
Quyền tổng thống Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp
Theo thông báo của Chính phủ Sri Lanka vào cuối ngày 17-7, quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh bất ổn xã hội và khủng hoảng kinh tế đang bao trùm quốc gia này.
“Việc bảo vệ trật tự công cộng và duy trì các nguồn cung hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống của người dân là rất cần thiết”, Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Chính phủ Sri Lanka.
Ngày 13-7, trên cương vị quyền tổng thống, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp, sau khi cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ chạy sang Maldives.
Ông Rajapaksa trốn ra nước ngoài để thoát khỏi vòng vây người biểu tình phản đối chính phủ. Ông đã đến Singapore trên chuyến bay khởi hành từ Maldives sau khi rời khỏi Sri Lanka, rồi gửi email thông báo quyết định từ chức.
Ngày 14-7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardenena xác nhận đã nhận được email thông báo từ chức của ông Rajapaksa. Một ngày sau, đơn từ chức của ông Rajapaksa được Quốc hội chấp thuận.
Quốc hội Sri Lanka đã họp ngày 16-7 để bắt đầu quá trình bầu tổng thống mới. Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena cho biết sẽ tiến hành bầu tổng thống mới vào ngày 20-7 sau khi tiếp nhận các đề cử trong ngày 19-7.
Nguồn ngoại tệ cạn kiệt khiến Sri Lanka không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.
Người Sri Lanka đã nhiều tháng chịu cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại nước này đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây.
Khủng hoảng kinh tế dẫn đến các cuộc biểu tình chống chính phủ. Người biểu tình đã chiếm luôn tòa nhà và văn phòng tổng thống, buộc lãnh đạo cao nhất phải từ chức.
Cựu tổng thống Gotabaya Rajapaksa cho biết ông đã “làm tất cả các biện pháp có thể” để ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế đang lan rộng.
Quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế tổng thống, nhưng ông Wickremesinghe cũng là đồng minh của cựu tổng thống Rajapaksa. Người biểu tình cũng phản đối ông Wickremesinghe, dẫn đến viễn cảnh bất ổn gia tăng nếu ông Wickremesinghe được bầu làm tổng thống.