Thủ tướng yêu cầu EVN không để thiếu điện, không để tiêu cực, ‘chạy’ dự án
Thủ tướng yêu cầu EVN không để thiếu điện, không để tiêu cực, ‘chạy’ dự án
Yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với ngành điện năm 2022 và các năm tiếp theo là phải đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nên tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện.
Thông tin được nêu ra trong thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và tình hình thực hiện các dự án trọng điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với ngành điện năm 2022 và các năm tiếp theo là phải đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện, không để xảy ra khủng hoảng năng lượng trong mọi tình huống, phát triển ngành điện một cách bền vững, hiệu quả, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.
Kết luận cũng nêu rõ, Thường trực Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể về cung ứng điện và vấn đề cung cấp than, khí cho sản xuất điện tại cuộc họp với EVN và các bộ, ngành liên quan. Do đó, yêu cầu chủ tịch và tổng giám đốc EVN phải tiếp tục bám sát các kết luận, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả.
Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện nói chung và dự án của EVN là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển của ngành điện nói riêng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế chung.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu EVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan cần có quyết tâm cao nhất, làm hết trách nhiệm theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tuyệt đối không được trì trệ làm chậm tiến độ các dự án, đặc biệt là phải tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các bộ ngành liên quan, vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Đối với các kiến nghị cụ thể của EVN, trực tiếp với các cơ chế đảm bảo cân bằng tài chính, Thủ tướng giao Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty sản xuất, cung ứng than cho điện tăng cường biện pháp tiết giảm chi phí để giảm giá thành khai thác than trong nước, đảm bảo và xem xét việc tăng cường cung cấp than đủ cho sản xuất điện theo hợp đồng đã ký kết, dứt khoát không để thiếu than cho điện, thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Xử lý theo thẩm quyền về kiến nghị về cơ chế không bù giá công suất với các nhà máy thủy điện trong tháng 7-2022. Đặc biệt là xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định với các vấn đề liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn tài chính phát sinh của EVN do chi phí mua điện tăng cao, không tăng giá bán lẻ điện.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ ngành liên quan tổng hợp và thực hiện các ý kiến chỉ đạo trước đó nhằm tháo gỡ cho các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm của EVN. Đơn cử như việc cho thi công trở lại hay không với dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng; việc xem xét và quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III…
Với vấn đề nhập khẩu điện từ Lào sau năm 2025, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rà soát, thúc đẩy hợp tác mua bán điện với Lào đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, báo cáo Thủ tướng những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Đối với việc giải quyết những kiến nghị trong mua điện, huy động các dự án điện gió và điện mặt trời đã đầu tư xây dựng song không đủ điều kiện áp dụng biểu giá cố định đã hết hiệu lực, Thủ tướng yêu cầu thực hiện theo chỉ đạo trước đó.
Tập trung giải quyết vướng mắc trong thực tiễn cũng như xây dựng quy định giá điện gió cho các dự án đầu tư mới theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo giá mua điện hợp lý, mức độ khuyến khích phát triển hợp lý theo đúng chủ trương. Thực hiện đấu thầu theo quy định, nghiêm cấm để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chạy dự án, xin cho dự án.