Trung Quốc – chủ nợ hàng đầu của các nước đang phát triển
Trung Quốc – chủ nợ hàng đầu của các nước đang phát triển
Trong bài viết ‘Trung Quốc phủ bóng đen khổng lồ lên cuộc đua giảm nợ của các nước đang phát triển’, Hãng tin Reuters cho biết Trung Quốc đang là chủ nợ hàng đầu thế giới nhưng các cuộc đàm phán về nợ lại vắng mặt nước này.
“Từ dự án 360 triệu USD nhằm mở rộng sân bay quốc tế ở thủ đô Lusaka của Zambia cho đến cảng trị giá 1,4 tỉ USD ở thủ đô Colombo của Sri Lanka, Trung Quốc đang là ‘mảnh ghép còn thiếu’ trong nhiều cuộc đàm phán về nợ đang diễn ra tại các thị trường đang phát triển” – Hãng tin Reuters nhận định trong bài phân tích đăng ngày 4-7.
Trung Quốc: Chủ nợ song phương lớn nhất thế giới
Hiện nay Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai và là chủ nợ song phương lớn nhất trên thế giới. Nhiều quốc gia nhỏ hơn đang phải vay tiền từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tránh công khai về các điều kiện cho vay và cách thức họ tái đàm phán với những bên đi vay đang gặp khó khăn.
Điều đó đã trở nên rõ ràng hơn sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Nhiều nền kinh tế gặp khó khăn đang tìm cách giảm nợ.
Và giờ đây, Trung Quốc đang chịu áp lực ngày càng tăng khi nhiều bên thúc giục Bắc Kinh đóng vai trò tích cực hơn trong việc giúp các nền kinh tế khó khăn khắc phục gánh nặng nợ nần. Vừa qua, các nhà lãnh đạo của nhóm G7 đã thúc giục các chủ nợ như Trung Quốc giúp đỡ các nước khác.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy các nước nghèo nhất thế giới đang phải đối mặt với khoản thanh toán nợ 35 tỉ USD cho các chủ nợ chính thức và khu vực tư nhân vào năm 2022, trong đó hơn 40% dành cho Trung Quốc.
Thách thức trong tái cơ cấu nợ
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB mong muốn chia sẻ gánh nặng một cách công bằng trong các cuộc đàm phán giảm nợ có thể khiến họ rơi vào tình huống va chạm với Trung Quốc, làm dấy lên những hoài nghi về triển vọng tái cơ cấu nợ toàn diện.
“Tiền từ sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi. Do đó, chúng ta sẽ thấy tình huống này lặp đi lặp lại trong các cuộc tái cơ cấu nợ chính phủ” – ông Dennis Hranitzky, trưởng bộ phận tranh tụng chủ quyền tại Công ty luật Quinn Emanuel, bình luận.
Zambia và Sri Lanka là những trường hợp thử nghiệm về việc các cuộc đàm phán nợ sẽ tiến triển nhanh ra sao. Cả hai nước này cũng cần phải tái cơ cấu với các trái chủ ở nước ngoài và thực hiện các chương trình của IMF.
“Sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc đàm phán về nợ không phải do IMF cũng như chính phủ các nước khác quyết định. Việc đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán kịp thời có thể là thách thức lớn nhất trong các cuộc tái cơ cấu nợ sắp tới” – bà Polina Kurdyavko, trưởng bộ phận các thị trường mới nổi tại Công ty BlueBay Asset Management (Anh), nhận định.
Các khoản cho vay của Trung Quốc chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước và ngân hàng chính sách, và thường không rõ ràng. Vấn đề Trung Quốc đồng ý giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các nước ra sao cũng là ẩn số. Sự đa dạng của các bên cho vay ở Trung Quốc còn làm tăng thêm sự phức tạp.
Báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) tại Mỹ cho thấy một nửa trong số 5.000 khoản vay và viện trợ dành cho 152 quốc gia từ năm 1949 – 2017 đã không được Trung Quốc báo cáo cho IMF hoặc WB, mặc dù Bắc Kinh là thành viên của cả hai tổ chức đa phương này.
Ông Matthew Mingey, nhà phân tích cao cấp tại Viện nghiên cứu Rhodium Group, cho biết Trung Quốc có các điều khoản bảo mật chặt chẽ đối với những khoản vay thương mại của mình.
Trung Quốc nói rằng sáng kiến “Vành đai – Con đường” được công bố vào năm 2013 của nước này là một nền tảng hợp tác quốc tế về cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư và tài chính, giúp kết nối Trung Quốc với các khu vực khác của châu Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Hiện tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc và ngân hàng trung ương nước này chưa bình luận về bài phân tích của Hãng tin Reuters.