19/11/2024

Canada thành nước đầu tiên duyệt kết nạp Thụy Điển, Phần Lan vào NATO

Canada thành nước đầu tiên duyệt kết nạp Thuỵ Điển, Phần Lan vào NATO

Quốc gia Bắc Mỹ đã phê chuẩn việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan một cách chóng vánh, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào năng lực quân sự cũng như đóng góp của hai nước này cho NATO.

 

 

Canada thành nước đầu tiên duyệt kết nạp Thụy Điển, Phần Lan vào NATO - Ảnh 1.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha ngày 30-6 – Ảnh: REUTERS

Rạng sáng 6-7 (giờ Việt Nam), nhiều hãng tin quốc tế đồng loạt đưa tin Canada đã trở thành nước đầu tiên phê chuẩn việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO.

Việc phê chuẩn diễn ra chưa đầy 2 ngày sau khi ngoại trưởng hai nước này đến trụ sở NATO ở Bỉ để khởi động quá trình đàm phán và phê chuẩn gia nhập. Đại diện 30 thành viên NATO sau đó đã ký các nghị định thư kết nạp, mở đường cho quá trình phê chuẩn tại các nước này.

“Chúng tôi muốn là nước đầu tiên làm việc này”, người phát ngôn của Ngoại trưởng Canada Melanie Joly giải thích về việc phê chuẩn trong thời gian nhanh chóng.

Các thành viên của Hạ viện Canada đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Phần Lan và Thụy Điển trong một cuộc bỏ phiếu hồi đầu tháng 6 trước kỳ nghỉ thường niên.

Để bảo đảm chắc chắn, ngày 5-7, trước khi sử dụng một quy trình hành pháp để phê chuẩn nghị định thư kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, Ngoại trưởng Canada Joly đã nói chuyện với những nghị sĩ phản đối để thuyết phục họ ủng hộ.

Theo quy định, một ứng viên bắt buộc phải nhận được sự đồng ý của tất cả thành viên NATO hiện có thì mới được kết nạp.

“Canada hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của Phần Lan và Thụy Điển trong việc hội nhập nhanh chóng, hiệu quả vào NATO cũng như đóng góp vào khả năng phòng thủ chung của liên minh”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định trong tuyên bố ngày 5-7.

Trong diễn biến khác liên quan, Phó tổng thư ký NATO Mircea Geoana khẳng định liên minh quân sự này không có kế hoạch gửi quân đến Thụy Điển, Phần Lan hay thiết lập căn cứ thường trực ở đây.

Theo giải thích của ông Geoana, cả hai quốc gia này đều là những nước có tiềm lực quân sự mạnh nên có đủ khả năng tự vệ và việc lập căn cứ thường trực của NATO là chưa cần thiết.

NATO có một điều khoản phòng vệ tập thể, trong đó xem việc tấn công vào một thành viên của khối này là cuộc tấn công vào tất cả thành viên còn lại. Trong trường hợp đó, toàn liên minh sẽ hợp sức giúp nước bị tấn công.

Theo Hãng tin Reuters, dù chưa phải là thành viên chính thức, Thụy Điển và Phần Lan vẫn có thể tham gia các cuộc họp của NATO cũng như tiếp cận các thông tin tình báo từ liên minh.

BẢO DUY
TTO