23/12/2024

Kinh tế đêm cần thêm điện ảnh

Kinh tế đêm cần thêm điện ảnh

Việc được mở các suất chiếu nửa đêm về sáng được kỳ vọng sẽ giúp công chúng nhiều lựa chọn hơn, kinh tế đêm cũng được thúc đẩy.

 

 

Văn hoá xem phim khuya

Chị Thu Minh, ở khu đô thị Times City (Hà Nội), là một doanh nhân bận rộn. Con gái chị lại đang ở độ tuổi đến trường với nhiều bài vở. Vì thế, thời gian để hai mẹ con có thể đi xem phim cùng nhau là rất muộn. “Hai mẹ con thường xem suất chiếu rất muộn. May là có rạp ngay trong khu đô thị nên chỉ cần đi bộ là sang xem. Nếu chiếu muộn hơn, mẹ con tôi còn có thể xem chung với nhau nhiều hơn vào cuối tuần, rồi hôm sau ngủ nướng”, chị cho biết.

Kinh tế đêm cần thêm điện ảnh - ảnh 1
Khách mua vé xem phim các suất chiếu tối tại CGV Vạn Hạnh Mall (Q.10, TP.HCM)  NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, do quy định của Nghị định 38 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, việc có những suất chiếu muộn sau 24 giờ là phạm luật. Điều 8, khoản 1 của nghị định này quy định: “Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi chiếu phim ngoài khoảng thời gian từ 8 – 24 giờ hằng ngày”.

Tại TP.HCM, sau khi có nghị định (tháng 3.2021) này, các chủ rạp đã bỏ các suất chiếu khuya, chỉ xếp lịch chiếu sao cho khi vừa hết phim là đúng 24 giờ hoặc xê xích thêm chút ít. Trong khi trước đó, có nhiều suất chiếu vào khung giờ 24 giờ – 1 giờ với những rạp chiếu hiện đại, thiết kế ghế như giường nằm để khán giả có thể tận hưởng những giây phút thư giãn. Các cụm rạp có giường như L’amour ở cụm CGV Liberty Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), CGV Parkson Paragon (Q.7)… đông khách đã đành, một số rạp không có giường nằm vẫn hút khách nhờ vị trí trung tâm sầm uất như rạp Galaxy, BHD, Lotte, CGV khác…

Đại diện nhà phát hành phim Galaxy và hệ thống rạp Galaxy tại TP.HCM cho biết xem phim khuya là một trong những hoạt động về đêm được người trẻ yêu thích. “Tuy nhiên, đa số suất chiếu đêm ở rạp chính thống tại TP.HCM quá 24 giờ cũng không đông khách lắm, thường chiếm 1/3 số lượng ghế tại rạp. Tuy nhiên, tùy vào chất lượng phim, vì những phim bom tấn Hollywood, phim ăn khách “gây sốt” trên thế giới như Spider – Man, Avengers: Endgame, Captain Marvel, Fast & Furious… phim Việt hay được mọi người truyền tai như Bố già… suất chiếu khuya vẫn đầy ắp khán giả, gần kín cả rạp”, vị đại diện nói.

Đại diện phía Galaxy cho rằng phim xuất sắc kéo theo nhu cầu xem đêm khuya cao, vì ban ngày khán giả không mua được vé hoặc chỗ ngồi xấu. Cũng có những khán giả đi xem đêm vì họ là “cú đêm” thích được đi chơi vui vẻ, giải trí đêm khuya. “Có thể do hiện tại các rạp không được chiếu phim sau 24 giờ, nên đã không hình thành thói quen, sở thích cho khán giả. Biết đâu khi được phép, mọi người sẽ dần có văn hóa giải trí khuya là xem phim ở rạp”, vị đại diện này cho biết.

Kinh tế đêm cần thêm điện ảnh - ảnh 2
Khách mua vé xem phim tại CGV Vạn Hạnh Mall (Q.10, TP.HCM) tối 2.7 có những suất chiếu bắt đầu từ 23 giờ 40 NHẬT THỊNH

Cơ hội cởi trói vào tháng 11

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc về nội dung Công ty CJ CGV kiêm CEO Hãng phim V Pictrures, cho biết: “Tôi nghĩ Hà Nội có văn hóa xem phim đêm khuya hơn TP.HCM, vì các cụm rạp được đặt trong những khu đô thị lớn khép kín như Royal City, Vinhomes, Times City… Người dân khi xong mọi việc trong gia đình sẽ chọn lựa đến rạp xem lúc khuya. Còn ở TP.HCM, rõ ràng là tùy phim thì mới có lượng khách lớn đi xem, bởi đa số những phim hay, khán giả thường chọn suất tối, thậm chí rất khuya vẫn còn kín đặc người. Hiện tại, vì quy định của nhà nước chưa cho phép nên tất cả rạp chúng tôi không dám mở bán vé suất quá 24 giờ”.

Để phát triển kinh tế đêm, càng nhiều ngành dịch vụ giải trí tham gia càng tốt. Điện ảnh cũng là một trong những ngành như thế.

TS Nguyễn Thu Thủy, Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG Hà Nội)

Về mong muốn cởi trói, ông Hoàng Hải cho biết là một nhà phát hành, kinh doanh phim, đơn vị của ông luôn mong muốn được mở rộng suất chiếu, không bị hạn chế giờ giấc để phục vụ mọi nhu cầu giải trí có thật, đúng pháp luật từ khán giả. “Một khi có được phim hay, bán “cháy vé”, thì bất cứ nhà rạp, nhà phát hành, nhà sản xuất phim nào cũng đều mong muốn được tăng cường suất chiếu. Vì thế, việc có suất chiếu sớm hay khuya trễ, thì tôi nghĩ hãy để thị trường, khán giả – khách hàng quyết định”, ông Hải nói.

TS Nguyễn Thu Thủy, Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG Hà Nội), cho rằng để phát triển kinh tế đêm, càng nhiều ngành dịch vụ giải trí tham gia càng tốt. Điện ảnh cũng là một trong những ngành như thế. “Suất chiếu đêm tốt mà. Nó sẽ hỗ trợ cho các dịch vụ đêm khác”, bà nói.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết vấn đề “cởi trói giờ chiếu” cho điện ảnh cũng là một trong những nội dung ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38 đang cân nhắc. “Hiện tại mình cũng có những quy định khác ràng buộc là hoạt động không được quá 24 giờ. Chúng tôi cũng đang tính có thể đề xuất mức khởi điểm của buổi chiếu là mốc 24 giờ. Tức là có thể nó sẽ kéo dài sau 24 giờ là giờ của phim. Nói cách khác giờ bắt đầu xuất chiếu có thể vào 24 giờ”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, dù mong muốn khung giờ chiếu linh hoạt, nghị định cũng đang sửa và đang còn tranh luận cũng như vướng các quy định khác. “Tôi nghĩ cái này cần sự liên thông tương thích giữa các văn bản hiện nay. Tuy nhiên, có một cái thuận là Chính phủ đã chủ trương phát triển kinh tế đêm rồi. Đó là tiền đề quan trọng. Nhưng để thể chế hóa cụ thể ra vẫn đang mắc một số văn bản khác, những văn bản vẫn quy định phải kết thúc trước 24 giờ”, ông Thành nói.

Cũng về vấn đề khung giờ chiếu phim của Nghị định 38, theo ông Thành, còn một bất cập khác. Đó là việc quy định “Phổ biến phim cho trẻ em dưới 16 tuổi tại rạp ngoài khoảng thời gian từ 8 – 22 giờ mỗi ngày”. Điều này, theo ông Thành, nên được sửa theo hướng phim cho trẻ em nhưng nếu người lớn xem thì vẫn có thể chiếu muộn. “Quy định là quy định về độ tuổi người xem chứ không phải là phim thiếu nhi. Vì phim thiếu nhi mà người lớn thích xem thì có thể chiếu muộn được”, ông Thành nói.

Thông tin từ Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL), đơn vị chủ trì sửa đổi Nghị định 38, cho biết hiện Bộ đã thành lập Ban soạn thảo để sửa Nghị định 38. Theo đó, quan điểm chung của Bộ là những gì chưa thông thoáng, chưa phù hợp thực tế thì sẽ thay đổi để thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh. Dự kiến tháng 11.2022 sẽ thông qua nghị định sửa đổi này.

PHAN CAO TÙNG – TRINH NGUYỄN

TNO