Lo sợ mùa thi đến nỗi ngất xỉu, phải làm thế nào?
Lo sợ mùa thi đến nỗi ngất xỉu, phải làm thế nào?
Hai thủ khoa đầu vào của 2 trường qua các năm đã chia sẻ từng lo lắng và căng thẳng quá độ khi đến kỳ thi dẫn đến việc học nhiều quá mà chảy máu mũi và ngất xỉu. Sự căng thẳng và nỗi sợ mang tên tâm lý mùa thi này phải làm thế nào để khắc phục?
Trong Chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Vượt qua nỗi sợ mang tên mùa thi” do Báo Thanh Niên tổ chức chiều ngày 20.6, hai thủ khoa Võ Lập Phúc (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) và Phan Thị Hương (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã kể về những sự cố xảy ra vì áp lực tâm lý mùa thi khiến nhiều người phải giật mình thảng thốt. Nhưng đấy lại là tâm lý chung của rất nhiều thí sinh khi đến mùa thi.
Chương trình được trực tuyến tại thanhnien.vn, và các nền tảng mạng xã hội: Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên.
Chuyên gia tâm lý và các thủ khoa tư vấn tâm lý cho học sinh THANH HẢI |
Lo lắng là điều bình thường
Tại chương trình chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn kỹ năng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đã chỉ ra thường đến mùa thi thí sinh sẽ có những sự cố rất bất thường cả về mặt tâm lý và sức khỏe. Bình thường học sinh học bài rất tốt nhưng đến mùa thi lại dễ quên và khó tập trung, hay đến giờ học lại muốn đi ngủ còn giờ ngủ thì căng mắt ra học. Một biểu hiện nữa là lịch sinh hoạt bị đảo ngược, và chính học sinh không kiểm soát được, hay lại có những cơn đau giả vờ, mặc dù cơ thể không bị gì nhưng vẫn cảm giác bị đau là do bị ảnh hưởng bởi tâm lý.
Bà Thảo cho biết có 3 yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thi đó là năng lực làm bài, sức khỏe và yếu tố tâm lý, trong đó yếu tố tâm lý nếu không vững sẽ ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến 2 yếu tố kia.
Khi nhắc đến nỗi lo sợ mùa thi, thủ khoa Võ Lập Phúc kể: “Mùa thi có 2 áp lực, đó là áp lực về tâm lý và chuyên môn, từ đó mà đẩy mạnh cường độ làm việc nên thức khuya thường xuyên. Và lúc đó mình nhớ mình căng thẳng và viết văn nhiều đến nỗi chảy máu mũi, nhưng cũng không hề biết, đến khi máu chảy xuống trang giấy mới nhận ra”.
Còn cô nàng thủ khoa Phan Thị Hương cũng hãi hùng nhớ lại: “Đến ngày gần thi là em cứ bị áp lực, cứ trong tâm trạng là ôn bài đã đúng chưa, có phù hợp với đề thi chưa, sức khỏe lúc đó của em sa sút và sụt cân nghiêm trọng. Thậm chí đã từng có lần bị ngất đi do lo lắng và ôn thi quá cường độ”…
Sau khi nghe hai thủ khoa chia sẻ, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo nhắn gửi đến thí sinh: “Các em thấy đấy, thủ khoa cũng lo chứ không riêng gì ai, ai cũng sẽ rơi vào trạng thái lo lắng này. Mọi việc vẫn diễn ra như vậy nhưng quan trọng cách nhìn của chúng ta là gì, khi cách nhìn thay đổi thì mọi thứ sẽ trở nên tích cực hơn. Và đặc biệt, đừng để nỗi lo lắng kéo dài sẽ làm não bộ trong trạng thái căng thẳng liên tục, khiến chúng ta không giải quyết được bài thi thật tốt”.
Sự quan tâm của phụ huynh giúp con vững tin hơn NGỌC THẮNG |
Làm cách gì để giải tỏa tâm lý mùa thi
Chia sẻ về những cách để giải tỏa tâm lý mùa thi, bà Thảo cho biết cơ chế của não bộ như một bộ máy, bộ máy có 3 chức năng để làm việc trong cùng một thời gian, nhưng nếu làm 2 chức năng quá độ cùng một lúc thì chức năng còn lại sẽ bị giảm thiểu. Chính vì vậy, nếu chúng ta đặt mình vào những suy nghĩ tích cực thì thời gian dành cho những điều tiêu cực sẽ bị giảm đi.
Bà Thảo dẫn chứng những bí kíp “bỏ túi” cho thí sinh từ kinh nghiệm của mình, chẳng hạn như: “Ngày xưa khi đi thi vào đại học mình đã dự trù sẵn hồ sơ học trung cấp, tức là đã có một phương án an toàn cho bản thân và khi đó cũng sẽ làm giảm được áp lực. Không những thế, ngày đó mình mê lên thành phố lắm, nên rất háo hức và nghĩ việc mình đi thi là bước vào một cánh cửa và thế giới mới, cũng giống như việc háo hức đến một vùng đất mới sẽ giúp chúng ta quên đi cảm giác say xe và việc quên đi cảm giác lo sợ cho mùa thi cũng vậy”.
Và bà Thảo khẳng định: “Không có gì giúp giảm được lo sợ của mùa thi bằng việc chúng ta có đam mê và động lực mạnh mẽ. Việc của chúng ta bây giờ là xây dựng, nuôi dưỡng đam mê và động lực của mình để đi đến được con đường đó”.
Bà Thảo cũng khuyên để có suy nghĩ tích cực hơn thì thời gian còn lại trước kỳ thi này thí sinh nên gặp gỡ, nói chuyện và chia sẻ với những người mang cho chúng ta bầu không khí tích cực. Lỡ xung quanh chúng ta là những người có suy nghĩ tiêu cực thì nên bật chế độ mà nói vui là điếc tạm thời, phải chọn lọc những gì cần nghe, lơ đi tạm thời những điều mang tính tiêu cực để chúng ta có năng lực tích cực hơn.
Không có gì giúp giảm được lo sợ của mùa thi bằng việc chúng ta có đam mê và động lực mạnh mẽ. Việc của chúng ta bây giờ là xây dựng, nuôi dưỡng đam mê và động lực của mình để đi đến được con đường đó.
Chuyên gia tâm lý CHẾ DẠ THẢO
Từ kinh nghiệm của mình, thủ khoa Hương cho biết cô nàng tự ghi âm những cảm xúc của mình, đến thời điểm thi xong thì mở ra xem. Bên cạnh đó là tâm sự với bạn bè, bố mẹ rất tốt với mình nhưng nhiều lúc không hiểu hết được cảm xúc và băn khoăn của mình, nên chọn bạn bè để tâm sự. Chính những buổi tâm sự tưởng “vô thưởng vô phạt” đó nhưng lại giúp ta giải tỏa được rất nhiều tâm trạng.
Thủ khoa Phúc thì gửi lời cảm ơn đến ba mẹ, vì nhờ sự thấu hiểu của ba mẹ đã giúp Phúc giảm được rất nhiều căng thẳng của mùa thi: “Ba mẹ chưa bao giờ hỏi mình là con ôn như thế nào, có ôn tốt không? Ba mẹ luôn là người hỏi con muốn ăn gì không, con có muốn mua gì không? Hôm đi thi về, mẹ vẫn không hỏi là con thi có tốt không, nhưng mẹ hỏi con có muốn ăn gì không để mẹ làm?”.
Tâm đắc với câu chuyện Phúc kể về cách quan tâm của bố mẹ, chị Thảo chia sẻ: “Sự quan tâm của phụ huynh cũng nên cụ thể ở hành động thay vì cứ hỏi về việc ôn tập và thi cử, chúng ta dù vô tình nhưng khi nhắc nhiều đến những điều con đang lo sợ sẽ làm gia tăng điều đó hơn”.
Phúc cũng nhắn gửi đến thí sinh: “Bệnh run khi vào phòng thi là đề tài muôn thuở, vậy làm sao để chúng ta hết run. Đó là câu hỏi không có sự trả lời mà là câu hỏi để chúng ta có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày hôm nay, không có gì khiến chúng ta vững tin hơn bằng một sự chuẩn bị chu đáo và vững chắc mọi thứ trong mùa thi”.
NỮ VƯƠNG
TNO