24/11/2024

Giá cả tăng cao, kinh tế toàn cầu ảm đạm

Giá cả tăng cao, kinh tế toàn cầu ảm đạm

Công ty phân tích Moody’s thuộc Tập đoàn tài chính Moody’s vừa công bố báo cáo kinh tế thế giới nửa đầu năm 2022.

 

 

Theo đó, mặc dù đã dần phục hồi vào năm 2021 nhờ vào việc Mỹ đưa ra gói hỗ trợ quy mô chưa từng có và sự tăng trưởng thương mại của Trung Quốc, kinh tế thế giới đã chậm nhịp tăng trưởng trở lại trong nửa đầu năm nay, sau khi những tác động từ chiến dịch quân sự do Nga phát động nhằm vào Ukraine từ ngày 24.2 vừa qua.

Giá cả tăng cao, kinh tế toàn cầu ảm đạm - ảnh 1
Chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát đang tăng cao ở nhiều nước REUTERS

Cụ thể, giá dầu và giá nhiều loại hàng hóa đã tăng cao sau khi bùng nổ chiến sự Ukraine, tạo sức ép đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc khiến chính quyền nước này áp dụng nhiều biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã làm gián đoạn nguồn cung, nên thiếu hụt hàng hóa trong nhiều ngành công nghiệp chủ chốt, dẫn đến tổn hại thương mại khu vực.

Không chỉ thương mại bị hạn chế của Ukraine gây cản trở nguồn cung cấp toàn cầu đối với dầu ăn, lúa mì và phân bón, cùng các hàng hóa khác, mà các biện pháp trừng phạt (bao gồm cả lệnh cấm thương mại) do EU và các nền kinh tế khác áp đặt lên Nga cũng làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt của nguồn cung.

Bên cạnh đó, do sự bất ổn từ chiến sự Ukraine khiến nhiều nước siết chặt an ninh năng lượng và lương thực nội địa, áp dụng nhiều lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng. Một số nguyên vật liệu khác cũng thiếu hụt về nguồn cung do các tác động khác. Các yếu tố vừa nêu dẫn đến hậu quả là giá cả hàng hóa bị đẩy lên quá mức, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát tăng cao ở nhiều nước. Ví dụ, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5.2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 8,3% so với tháng 4.2022, trở thành mức tăng cao nhất trong 40 năm qua ở nước này.

So với năm 2021, dù nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi đều cải thiện tình hình nhưng mức độ phục hồi không đồng đều, chính sách hỗ trợ chưa tối ưu. Rồi khi bệnh dịch bùng phát trở lại ở một số nơi, sự khác biệt trong việc tiêm phủ vắc xin ngừa Covid-19, đã dẫn đến sự phân hóa ngày càng tăng giữa các nền kinh tế hàng đầu. Sự khác biệt về kết quả tăng trưởng tiếp tục tăng lên trong năm nay, do sự khác nhau về mức độ phụ thuộc của mỗi quốc gia vào năng lượng và nhập khẩu lương thực, cũng như mức độ thương mại và đầu tư với Nga, Trung Quốc và Ukraine.

Công ty phân tích Moody’s dự kiến tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu sau khi đạt đỉnh 5,6% vào năm 2021, sẽ giảm tốc và chỉ đạt mức 2,8% vào năm 2022, rồi đạt 3,1% vào năm 2023. Châu Á và Mỹ dự kiến sẽ vẫn thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu với GDP tăng 4,1% và 2,7% vào năm 2022. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng lần lượt ở mức 4,5% và 7,4% vào năm 2022. Tăng trưởng GDP của khu vực sử dụng euro được dự báo là 2,7% vào năm 2022 và 2,1% vào năm 2023, trong khi tăng trưởng của Nhật Bản chỉ ở mức 1,6% trong năm 2022 và 2,4% vào năm 2023.

Dự kiến sắp tới, rủi ro lớn nhất cho kinh tế thế giới vẫn là chiến sự Ukraine khiến giá cả leo thang. Bên cạnh đó, một số rủi ro còn có thể làm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu là sự lây lan của các biến thể SARS-CoV-2 trong tương lai, sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp của quốc gia này và châu Á phải trải qua một thời gian dài biến động, sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu và các áp lực liên quan nguồn cung.

PHÁT TIẾN

TNO