Mỹ, Trung, Ấn cạnh tranh tại Nam Á
Mỹ, Trung, Ấn cạnh tranh tại Nam Á
Khu vực Nam Á đang chìm trong khủng hoảng. Sri Lanka vừa tuyên bố vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử và khó khăn đang chực chờ tại Nepal và Pakistan. Đây là cơ hội để các “ông lớn” Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng.
Trong mấy tuần qua, Nam Á chứng kiến nhiều biến cố kinh tế. Ngày 19-5, Sri Lanka chính thức vỡ nợ vì không trả nổi 78 triệu USD tiền lãi trái phiếu. Nepal – nước láng giềng của Sri Lanka – đang bên bờ khủng hoảng và Pakistan cũng đối mặt nguy cơ phá sản.
Nguyên do chung là sự tác động gộp của nhiều yếu tố: từ nợ công khổng lồ, lạm phát gia tăng, cạn kiệt dự trữ ngoại hối, quản lý kinh tế kém cho đến đại dịch COVID-19 và mới nhất là xung đột Nga – Ukraine.
Rút ra bài học
Trong những năm qua, Trung Quốc đã đưa các nước nhỏ ở Nam Á vào quỹ đạo ảnh hưởng khi nhắm vào những mối bận tâm chính yếu nhất của họ là an ninh và kinh tế. Nhưng sau các khoản đầu tư hạ tầng tỉ USD từ Bắc Kinh, nhiều nước đã lún sâu vào nợ nần.
Việc Sri Lanka phải đem các cảng, đất để “cấn nợ” dường như đã khiến các nước khác thận trọng hơn. Trong những tuần qua, Ấn Độ đã thể hiện vai trò anh cả và giúp đỡ các nước nhỏ hơn vượt khó.
Phó giáo sư Shamshad Ahmad Khan của Đại học BITS Pilani cho biết Sri Lanka mong Bắc Kinh giảm nợ lúc này, nhưng điều đó đã không xảy ra. Và Ấn Độ đã có mặt với chiếc “phao cứu sinh” là những khoản vay khẩn cấp, hỗ trợ xăng dầu.
Tuy thế, Trung Quốc cũng đã quyết định mở rộng khoản vay cho Colombo và đang đàm phán thêm các khoản vay khác.
Trong khi Ấn Độ đang “thuận lợi” ở Sri Lanka thì Trung Quốc vẫn giữ được quan hệ thân thiết với Pakistan, dù mới đây Mỹ đã tổ chức đối thoại an ninh song phương và cam kết giúp Islamabad tái thiết kinh tế.
Nepal cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng của cả ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Tháng 2-2022, Nepal phê chuẩn khoản hỗ trợ 500 triệu USD của Tập đoàn Thách thức thiên niên kỷ (MCC) của Mỹ để phát triển kinh tế và hạ tầng.
Tới tháng 4-2022, họ tiếp tục ký thỏa thuận hỗ trợ phát triển trị giá 659 triệu USD với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).
Ngoại trưởng Trung Quốc sau đó đã lên đường đến Kathmandu và ký 9 thỏa thuận hợp tác về kinh tế, kỹ thuật, y tế và cung cấp vắc xin. Trong khi đó ngày 16-5, Ấn Độ cam kết sẽ xây nhà máy thủy điện 695MW tại Nepal.
Họ (các chính phủ trong khu vực) đã học được bài học có thể dựa vào Ấn Độ thay vì Trung Quốc, nếu họ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.
Chuyên gia Shamshad Ahmad Khan (của Đại học BITS Pilani) nhận định.
Cân bằng
Theo chuyên gia Anu Anwar của ĐH Harvard, dù Ấn Độ khó cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại Nam Á, nhất là về kinh tế, nhưng New Delhi lại có quan hệ lâu đời về văn hóa, chính trị với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhóm QUAD. “Khi nói đến vai trò của các nước lớn ở Nam Á, sự hội tụ chiến lược giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đang tăng lên nhưng sự chia rẽ giữa Trung Quốc và phần còn lại đang ngày càng lớn”, ông Anwar nhận định.
Với các nước nhỏ, sự cạnh tranh của các “ông lớn” vừa có lợi vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc chỉ dựa vào một nước, như trường hợp của Sri Lanka với Trung Quốc, đã cho thấy đây là bước đi nguy hiểm.
“Thật thiếu khôn ngoan nếu Sri Lanka bắt tay với Trung Quốc và để căng thẳng leo thang với Ấn Độ. Nếu Ấn Độ xử lý tình hình khủng hoảng (ở Sri Lanka) tốt, họ có thể giành được thiện cảm của người dân nước này” – ông Pavithra Jayawardena, giảng viên Đại học Colombo, nhận định.
Theo ông Jayawardena, Colombo cần cân bằng mối quan hệ với các nước lớn và xem lại quan hệ với Trung Quốc.
Tương tự, nhà phân tích Santosh Sharma Poudel của Viện Nghiên cứu chính sách Nepal cho rằng nước này vẫn đủ chỗ cho cả đầu tư từ Trung Quốc và Ấn Độ nhưng nên coi việc hợp tác với hai “ông lớn” là vì “nhu cầu phát triển” thay vì bị cuốn vào “trò chơi cân bằng”.
Không như các nước láng giềng, Nepal đến nay chỉ nhận hỗ trợ chứ không vay từ Trung Quốc và coi sự cạnh tranh giữa các nước lớn là cơ hội để phát triển kinh tế.