01/11/2024

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì khi phản đối Thuỵ Điển, Phần Lan gia nhập NATO?

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì khi phản đối Thuỵ Điển, Phần Lan gia nhập NATO?

Con đường trở thành thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan đang gặp trở ngại vì Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng liệu Ankara có thực sự chỉ muốn giải quyết vấn đề người Kurd?

 

 

 

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì khi phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO? - ảnh 1
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan  REUTERS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố ông sẽ không chấp nhận kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO. Xét đến việc hai nước Bắc Âu cần phải nhận được cái gật đầu của toàn bộ 30 thành viên NATO, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, mới có thể gia nhập liên minh, sự phản đối của Ankara là vấn đề quan trọng.

Nhìn bề ngoài, các yêu cầu của ông Erdogan hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chính phủ ở Ankara. Ông đã chỉ trích Thụy Điển và Phần Lan vì từ chối dẫn độ một số cá nhân có liên kết với đảng Lao động Người Kurd, hay PKK – một nhóm người Kurd bị Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) coi là khủng bố.

Tuy nhiên đằng sau vấn đề này, các quan chức và chuyên gia đã chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Ankara có thể còn muốn nhắm đến những mục tiêu khác.

 

Mặc cả với Mỹ?

Sự phản đối của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, theo những tuyên bố công khai, bắt nguồn từ quan điểm rằng Phần Lan và Thụy Điển hỗ trợ “các phần tử khủng bố”. Theo Ankara, cả hai nước Bắc Âu này đã cung cấp chỗ ở và sự bảo vệ cho các thành viên PKK – nhóm vũ trang chống lại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng Ankara ngược đãi công dân người Kurd.

Số phận của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, một bộ phận của cộng đồng sắc tộc lớn nhưng không có nhà nước tại khu vực, bao gồm cả Iraq và Syria, từ lâu đã trở thành nguồn cơn căng thẳng giữa Ankara và cộng đồng quốc tế. Theo chuyên trang The Conversation, người Kurd không được phép bầu cử tự do ở khu vực Anatolia phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, nơi họ chiếm đa số. Trong khi đó, các tổ chức giáo dục và văn hóa sử dụng ngôn ngữ của người Kurd bị cấm hoạt động trên thực tế.

Mặc dù PKK đã bị cả Mỹ và EU coi là “nhóm khủng bố”, Phần Lan và Thụy Điển đã không đồng ý dẫn độ một số thành viên nhóm này về Thổ Nhĩ Kỳ vì những lo ngại nhân quyền. Riêng Thụy Điển còn là nơi có nhiều tín đồ của ông Fethullah Gulen, người bị Tổng thống Erdogan quy kết đứng sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.

Song việc Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn lý do liên quan đến các thế lực thù địch để phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO lại làm nổi bật một thực tế là các thế lực này đang hiện diện ở nhiều nước trong liên minh (bản thân ông Gulen đang sống tại bang Pennsylvania của Mỹ).

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì khi phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO? - ảnh 2
 Người Kurd biểu tình phản đối ông Erdogan ở Toulouse, Pháp, năm 2019 AFP

Steven A. Cook, học giả cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách tại Mỹ, cho rằng dù sự tức giận của Thổ Nhĩ Kỳ là có thể hiểu được, lập luận của họ lại không hợp lý.

“Điều làm tôi thấy khó hiểu là lập luận của Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu, rằng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ kiểu như sẽ bị đe dọa. Không hợp lý chút nào”, ông Cook nói với tạp chí Foreign Policy. “Thực sự có điều gì khác đang diễn ra”.

Theo vị chuyên gia, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ bề ngoài có vẻ như trút giận lên hai nước Bắc Âu, thính giả của họ có thể là ở Washington. Ankara dường như đang hy vọng rằng lá phiếu của họ đối với sự mở rộng của NATO sẽ có thể là con bài mặc cả với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn quay lại chương trình máy bay tân tiến F-35 mà họ đã bị loại ra sau khi Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga, theo Bloomberg. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang muốn Mỹ đồng ý bán hàng chục máy bay chiến đấu F-16 và thiết bị nâng cấp cho phi đội hiện có của họ. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vì việc Ankara sở hữu tên lửa S-400.

Dùng lá bài mở rộng NATO để đạt được bất kỳ mục tiêu nào nói trên sẽ là một thách thức đối với ông Erdogan. Song Ankara đã cho thấy họ sẵn sàng tiến xa và thậm chí gây thiệt hại cho nền kinh tế của mình, trong các tranh chấp địa chính trị gần đây, bao gồm vụ giam giữ một mục sư người Mỹ, thỏa thuận tên lửa Nga hay các chiến dịch quân sự chống lại người Kurd.

 

Chính trị nội bộ?

Là một chính trị gia nổi tiếng nhạy bén, ông Erdogan đang nhận thấy cơ hội để giành thêm lá phiếu của cử tri trong nước, trước thềm cuộc bầu cử vào mùa hè 2023 (với những đồn đoán rằng cuộc bầu cử có thể được tổ chức sớm hơn vào mùa thu này).

“Ông Erdogan không đạt thành tích tốt trong các cuộc thăm dò. Ông ấy có khả năng sẽ thua cuộc. Vậy nên việc này (phản đối Thụy Điển, Phần Lan vì vấn đề người Kurd) cũng có thể là thứ giúp thuyết phục được thêm nhiều cử tri Thổ Nhĩ Kỳ”, tiến sĩ Paul Levin, người sáng lập Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Stockholm, nói với EuroNews.

Ông Erdogan cũng đã nói ông sẽ không lặp lại “sai lầm” mà chính phủ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã mắc phải vào năm 1980 khi cho phép Hy Lạp trở lại lực lượng quân sự chung của NATO. Hai nước gây chiến vào năm 1974 và Hy Lạp khi đó đã rút khỏi bộ chỉ huy quân sự NATO, dù không hoàn toàn rút khỏi liên minh. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc họ đồng ý để Hy Lạp tái tham gia đầy đủ trong NATO đã khiến Athens “có thái độ chống đối Ankara” kể từ đó.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì khi phản đối Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO? - ảnh 3
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis phát biểu trước quốc hội Mỹ hôm 17.5  REUTERS

Hy Lạp và đồng minh Cyprus đã trở thành những trở ngại chính cản trở việc Thổ Nhĩ Kỳ thành thành viên EU, phản đối cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc về kế hoạch thống nhất Cyprus, và liên tục tham gia vào tranh chấp lãnh thổ với Thổ Nhĩ Kỳ tại các khu vực ở biển Aegea và Địa Trung Hải.

Rút kinh nghiệm từ bài học đó, các quan chức ở Ankara nói với Bloomberg rằng sẽ không khôn ngoan nếu mong đợi Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi đường lối và chấp nhận kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO, trừ khi các tranh chấp được giải quyết trước và các nước Bắc Âu công khai cam kết đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các nhóm người Kurd.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ nhận định rằng việc nước này phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO có liên quan đến chính trị trong nước, hay bắt nguồn từ quan hệ gần gũi giữa ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết ông “lạc quan” rằng vấn đề về lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được “giải quyết thông qua các cuộc thảo luận” mà không cần đáp ứng bất kỳ yêu cầu cụ thể nào của Ankara.

VŨ MẠNH

TNO