23/11/2024

Vì sao không dùng điểm miễn thi tốt nghiệp ngoại ngữ để xét tuyển ĐH?

Vì sao không dùng điểm miễn thi tốt nghiệp ngoại ngữ để xét tuyển ĐH?

Nhiều trường ĐH không dùng điểm miễn thi tốt nghiệp ngoại ngữ hoặc chưa chấp nhận điểm quy đổi từ chứng chỉ cho điểm thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

 

 

 

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được sử dụng để quy đổi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh có chứng chỉ này cũng có nhiều ưu tiên trong xét tuyển vào ĐH các phương thức riêng.

Theo hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ GD-ĐT, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với mức điểm quy định sẽ được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Khi được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ, thí sinh (TS) được tính 10 điểm môn này để cộng vào điểm xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong xét tuyển ĐH, mỗi trường có khác nhau với TS có chứng chỉ này.

Vì sao không dùng điểm miễn thi tốt nghiệp ngoại ngữ để xét tuyển ĐH? - ảnh 1

 

Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM trong giờ học. Trường này hiện có phương thức xét tuyển, trong đó chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là điều kiện cần   NGỌC DƯƠNG

Không dùng điểm miễn thi tốt nghiệp

Hiện các trường ĐH đang có những cách xét tuyển khác nhau với trường hợp TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong tổ hợp có chứa môn học này. Đặc biệt, hầu hết các trường không dùng trực tiếp điểm miễn thi tốt nghiệp mà theo cách tính điểm riêng của trường.

Trong đề án tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nêu rõ không sử dụng kết quả miễn thi bài thi tiếng Anh xét tốt nghiệp. Thay vào đó, trường sử dụng kết quả thi tiếng Anh hoặc điểm quy đổi theo quy định riêng của trường với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Trong đó, chứng chỉ IELTS trường chấp nhận từ mức 5,0 trở lên. Có chứng chỉ này, TS được quy đổi thành 8 điểm môn tiếng Anh trong học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp. Kế tiếp, mức 5,5 IELTS tương đương 9 điểm và từ 6,0 trở lên TS được nhận 10 điểm môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển.

Mức điểm quy đổi xét tốt nghiệp chỉ ở mức trung bình phục vụ xét tốt nghiệp, nếu sử dụng điểm đó để xét tuyển sẽ không công bằng với TS không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Thạc sĩ TRẦN LÊ TRỌNG PHÚC, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM

Lý giải việc không dùng điểm miễn thi xét tốt nghiệp theo quy định của Bộ, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết trường chỉ chấp nhận quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế từ mức 5,0 IELTS trở lên. Mức này phù hợp với chuẩn đầu ra tiếng Anh chương trình đại trà của trường. “Hơn nữa, thay vì quy đổi 1 mức điểm 10 cho tất cả TS có IELTS 4,0 trở lên, trường có nhiều mức quy đổi khác nhau để công bằng hơn cho TS”, ông Thắng nói. Cũng theo Trưởng phòng Đào tạo này, năm 2021 số TS đăng ký xét tuyển vào trường có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khoảng 1.000 trường hợp.

Tương tự, Trường ĐH Mở TP.HCM cũng không dùng trực tiếp điểm 10 miễn thi tốt nghiệp để xét tuyển. Trong khi đó, nhiều năm nay trường áp dụng bảng quy đổi điểm môn ngoại ngữ trong kỳ tuyển sinh của trường theo cách riêng. TS có chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật được quy đổi điểm môn tương ứng trong tổ hợp xét tuyển môn này. Theo cách tính điểm của trường này với môn tiếng Anh, TS có chứng chỉ IELTS 4,5 được quy đổi tương đương 7 điểm môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển. Mức điểm IELTS từ 6,0 trở lên, TS được tính 10 điểm.

Theo thạc sĩ Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng phòng Đào tạo trường này, mức điểm quy đổi của trường chi tiết và có yêu cầu cao hơn với thang quy đổi dùng để xét miễn thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT. “Mức điểm quy đổi xét tốt nghiệp chỉ ở mức trung bình phục vụ xét tốt nghiệp, nếu sử dụng điểm đó để xét tuyển sẽ không công bằng với TS không có chứng chỉ”, thạc sĩ Phúc chia sẻ.

Cũng theo thạc sĩ Phúc, xu hướng hiện nay việc sử dụng ngoại ngữ gần như bắt buộc trong hoạt động học tập, nghiên cứu. Xu hướng ưu tiên TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ngay từ đầu vào một phần khuyến khích TS quan tâm tới việc học ngoại ngữ ở bậc phổ thông. Đồng thời, hình thức này cũng góp phần giảm áp lực cho TS trong kỳ thi và xét tuyển. Theo thống kê của trường ĐH này, năm 2021 có hơn 450 TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được quy đổi điểm trong phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp vào trường. Còn phương thức xét học bạ, trường cũng nhận được hơn 1.500 nguyện vọng của TS có các chứng chỉ này.

 

Không dùng điểm quy đổi khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp

Trong khi đó, với cách thức xét tuyển hiện nay của nhiều trường, TS muốn xét tuyển bằng phương thức kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn cần phải dự thi môn tiếng Anh. Các trường này không sử dụng điểm quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét theo phương thức này.

Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trường không phủ nhận kết quả chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vì đây là kết quả được công nhận toàn thế giới. Tuy nhiên, TS dù có chứng chỉ vẫn cần dự thi tốt nghiệp THPT để có điểm môn tiếng Anh khi xét bằng điểm kỳ thi này. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, có những lý do khiến trường chưa sử dụng điểm quy đổi từ các chứng chỉ này trong xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, đến thời điểm hiện nay việc sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vẫn chỉ là thiểu số. Chưa kể tới trường hợp, có những học sinh giỏi ngoại ngữ nhưng điều kiện kinh tế khó khăn không thể dự thi để lấy chứng chỉ. Do vậy, việc tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT là thang đánh giá chung để tạo công bằng cho tất cả TS.

 

Nhiều trường ưu tiên xét tuyển TS giỏi ngoại ngữ

Vài năm gần đây, nhiều trường ĐH bổ sung thêm phương thức dành riêng cho các TS giỏi ngoại ngữ. Trong đó, với chứng chỉ tiếng Anh tương đương IELTS 5,0 trở lên, TS có nhiều lựa chọn ưu tiên xét tuyển vào nhiều trường ĐH, đặc biệt các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Một số trường khác, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một trong số các điều kiện cần có để xét tuyển bên cạnh điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, học sinh trường chuyên…

Tuy nhiên theo ông Hạ, với TS đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trường có thêm phương thức xét tuyển khác có ưu tiên các trường hợp này. Khi tham gia diện ưu tiên xét tuyển, TS được xét tuyển dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có điểm quy đổi môn ngoại ngữ vào các ngành ngôn ngữ. Hơn nữa, khi trúng tuyển, các sinh viên này cũng được xét miễn nhiều học phần. Chẳng hạn, ngành ngôn ngữ Anh có những sinh viên chỉ học 3 năm đã tốt nghiệp.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho biết năm nay trường chưa sử dụng điểm quy đổi từ chứng chỉ này để xét tuyển vào trường theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện theo phương thức ưu tiên xét tuyển, TS có chứng chỉ ngoại ngữ kèm theo một số tiêu chí khác cũng được ưu tiên xét tuyển trực tiếp.

Tuy nhiên, theo ông Quốc, có thể trường sẽ xem xét sử dụng điểm quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi các học sinh sở hữu chứng chỉ này phổ biến hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh sắp tới, khi trường có thêm định hướng đào tạo người học đáp ứng cho thị trường lao động có yếu tố quốc tế, đào tạo giáo viên giảng dạy chương trình song ngữ, trường quốc tế…

 

Những trường hợp không thi cũng được 10 điểm ngoại ngữ khi tốt nghiệp THPT

Hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của Bộ GD-ĐT có nội dung quy định các trường hợp TS được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

TS được miễn thi khi thuộc một trong những đối tượng sau: Thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; TS có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 6.7.2022 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định. Trong đó, môn tiếng Anh là IELTS đạt 4,0 điểm, TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 54 điểm.

Khi được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ, TS sẽ được tính 10 điểm ở môn này để cộng vào điểm xét tốt nghiệp THPT.

Tuệ Nguyễn

TNO