25/12/2024

Đề thi học sinh giỏi văn lớp 12, TP.HCM: Người trẻ chọn lối đi riêng

Đề thi học sinh giỏi văn lớp 12, TP.HCM: Người trẻ chọn lối đi riêng

Nhiều thí sinh tỏ ra thích thú đề thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố cho lớp 12 tại TP.HCM hay , gợi mở, vận dụng nhiều kiến thức thực tế cuộc sống, không quá chú trọng vào kiến thức sách giáo khoa.

 

 

Hôm qua (7.4), học sinh lớp 12 tại TP.HCM tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi văn cấp thành phố.

Cấu trúc đề vừa quen thuộc vừa sáng tạo. Đề không nêu ra một chủ đề ở phần đầu như đề thi tuyển sinh lớp 10 hay đề thi học sinh giỏi lớp 9 vừa qua. Theo đó, với văn bản mở đầu (người soạn đề dựa theo bài viết “Bức vẽ hổ giấu mặt giá hơn bốn triệu USD” của tác giả Nghinh Xuân) được xem là định hướng, gợi ý về chủ đề cho 2 câu hỏi bên dưới.

Đề thi học sinh giỏi văn lớp 12, TP.HCM: Người trẻ chọn lối đi riêng - ảnh 1

Đón nhận ý kiến trái chiều để phát triển bản thân

Từ câu chuyện bức vẽ hổ từ phía sau lưng của danh họa Trung Quốc Tề Bạch Thạch với ý kiến khen chê trái chiều của người xem, và bằng trải nghiệm cuộc sống của bản thân, đề yêu cầu thí sinh: “…Có nên chọn cho mình một lối đi riêng, khác biệt và sẵn lòng đón nhận những đánh giá trái chiều về lối đi ấy?”, (câu nghị luận xã hội, 8 điểm).

Đây là câu hỏi thú vị, đề cao ý thức phản biện của mỗi người, chấp nhận ý kiến trái chiều để phát triển bản thân. Với lứa tuổi học sinh (HS) THPT, vấn đề này rất cần thiết để các em tự khẳng định mình trong cuộc sống; tránh rập khuôn theo số đông, thần tượng. Hơn nữa, với HS lớp 12, các em cần phải ý thức hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp bản thân; có tầm nhìn xa rộng, lâu dài, chứ không phải thực dụng trước mắt.

Giáo viên Nguyễn Thị Thương, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), nhận định: “Đề thi theo định hướng đổi mới, sáng tạo và phát huy được khả năng phản biện, những trải nghiệm của HS. Có thể khơi gợi trong các em chính kiến về cuộc sống, từ những vấn đề các em trải nghiệm, nhìn nhận bản thân, đặt vị trí của mình trong thời đại để đánh thức bản thân”.

Theo bà Thương, qua câu nghị luận xã hội viết về lối đi riêng, đề mang tính ứng dụng cao vì bản thân HS là những người trẻ. Ở lứa tuổi như thế thì đề thi đánh thức ý thức trách nhiệm, vừa thể hiện quan điểm cá nhân, góc nhìn của các em trước đời sống.

“Mặc dù không phải là vấn đề thời sự nóng bỏng nhưng đây là vấn đề thiết thực, đặc biệt trong thời đại có nhiều biến động thì người trẻ cần có những lối đi riêng”, bà Thương nhấn mạnh.

Còn thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), cho rằng đây là một đề thi rất mở, HS tự do bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình trong bài văn. Suy nghĩ đó có thể là thuận hay trái chiều miễn sao lập luận tốt chắc chắn giám khảo sẽ trân trọng. Như vậy môn văn sẽ không còn bị giới hạn, bó buộc với một đề thi có tính an toàn, quy củ.

“Chọn cho mình một lối đi riêng thì sẽ thoát khỏi những gì quy củ, nhàm chán để mở ra cho mình một hướng mới làm cho cuộc sống thú vị hơn, bản thân sẽ có nhiều cơ hội hơn. Khi chọn một hướng đi mới thì bao giờ mình cũng khẳng định được cái cá nhân, giúp khẳng định cái tôi rõ ràng”, thạc sĩ Hoài nhắn nhủ với HS qua đề thi.

Còn ông Lê Hải Minh, giáo viên dạy ngữ văn tại Q.10, nhận xét: “Đề rất hay vì khuyến khích được HS phát biểu suy nghĩ và chính kiến của mình. Nhất là khi đối tượng dự thi là các em HS lớp 12 chuẩn bị bước vào đời sống xã hội. Đây là dịp để thầy cô lắng nghe những trải lòng của các em”.

 

“Sáng tạo văn chương” và “hiện thực đời sống”

Đó là trọng tâm yêu cầu ở câu nghị luận văn học (12 điểm). Đề tài về mối quan hệ nghệ thuật và cuộc sống không mới nhưng cách tích hợp với văn bản mở đầu trên với câu hỏi này khiến cho thí sinh cảm thấy thú vị, có hứng thú khi làm bài.

Tuy nhiên, muốn đạt được điểm cao phần này, thí sinh phải vừa có kiến thức văn học vừa phải liên hệ đến thực tiễn đời sống. Nhất là về lý luận văn học phải thật vững chắc. Đặc biệt, phải biết lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu nào trong và ngoài chương trình để đưa vào nghị luận. Những tác phẩm có thể liên hệ phù hợp về đề tài này như Đời thừa của Nam Cao, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu …

Bà Nguyễn Thị Thương cho rằng câu nghị luận văn học là vấn đề muôn thuở của văn chương, đó là sáng tạo, thiên chức nhà văn, mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Với đề này, HS cũng có nhiều đất để viết, thể hiện mình.

“Đề có sự thống nhất từ nghị luận xã hội đến nghị luận văn học: sự sáng tạo, dấu ấn riêng biệt của bản thân trong cuộc sống để tạo nên những giá trị cho xã hội. Dẫu đôi khi để sáng tạo nên giá trị đó, chúng ta sẽ phải đau, phải làm lại, phải lắng nghe góp ý…”, ông Lê Hải Minh nhắn gửi.

TRẦN NGỌC TUẤN – BÍCH THANH

TNO