23/11/2024

Ai cần tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4?

Ai cần tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4?

Trong 2 văn bản gần đây, Bộ Y tế đã giao các địa phương chủ động triển khai tiêm mũi nhắc lại (mũi 4) cho người đã đến lịch tiêm.

 

 

Ai cần tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4? - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Trong văn bản ngày 28-3 gửi sở y tế các tỉnh thành, Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm liều vắc xin bổ sung, liều nhắc lại cho người đến lịch tiêm chủng.

“Liều nhắc lại” ở đây, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chính là mũi tiêm COVID-19 thứ 4 cho một số nhóm cần củng cố miễn dịch. Kế hoạch như thế nào?

 

Ai sẽ tiêm trước?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều bổ sung là liều tiêm dành cho người từ 18 tuổi trở lên, có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng, đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1, 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin).

Loại vắc xin tiêm bổ sung sẽ cùng loại với vắc xin sử dụng trong liều cơ bản, hoặc vắc xin mRNA (Moderna, Pfizer). Khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc xin.

Đối với tiêm liều nhắc lại, Bộ Y tế hướng dẫn áp dụng cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

Loại vắc xin sử dụng: nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung dùng cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA, nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA.

Bộ Y tế hướng dẫn thêm nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của Hãng Sinopharm (vắc xin Vero Cell) thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA, hoặc vắc xin vectơ virus (cụ thể vắc xin AstraZeneca). Thời gian tiêm mũi nhắc lại là từ 3 tháng sau mũi tiêm bổ sung (trước đây Bộ Y tế hướng dẫn là 6 tháng sau mũi bổ sung). Đây chính là mũi tiêm thứ 4.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Quang Thái – trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) – cho biết mũi vắc xin thứ 4 vẫn cần thiết cho những người cao tuổi, người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch…

“Bên cạnh đó, người đã tiêm loại vắc xin có 3 mũi cơ bản (vắc xin Abdala) cũng cần tiêm thêm mũi thứ 4, tương tự như mũi vắc xin thứ 3 ở các vắc xin khác. Các tỉnh thành phải tự rà soát những nhóm người nêu trên, kể cả người cao tuổi khi có tình trạng miễn dịch kém. Bộ Y tế sẽ cấp vắc xin theo nhu cầu các tỉnh thành”, TS Thái chia sẻ thông tin.

Bên cạnh đó, để củng cố miễn dịch, trước đây Bộ Y tế đã hướng dẫn người đã tiêm vắc xin Vero Cell, Sputnik V, Abdala trong liều cơ bản, liều bổ sung cũng có thể tiêm mũi nhắc lại.

Theo thống kê chung của Bộ Y tế, Việt Nam đã tiếp nhận từ các nguồn khoảng 50 triệu liều Vero Cell, đặt mua 10 triệu liều Abdala, một số tỉnh thành như Hà Nam, Ninh Bình đã sử dụng vắc xin Sputnik V từ nguồn tài trợ trực tiếp của doanh nghiệp.

Nếu số vắc xin này đã sử dụng tiêm 3 mũi, thì ít nhất có trên 20 triệu người có thể tiêm mũi 4 bên cạnh người già, người suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền.

 

Tiêm mũi 4 thế nào?

Từ đầu tháng 3, tại phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu triển khai tiêm mũi vắc xin thứ 4. Trong 2 văn bản gần đây, Bộ Y tế đã giao các địa phương chủ động triển khai tiêm mũi nhắc lại (mũi 4) cho người đã đến lịch tiêm.

Theo khảo sát của chúng tôi, các địa phương hiện đang xem xét triển khai tiêm mũi thứ 4 cho người đến lịch tiêm. Tại TP.HCM, mũi vắc xin thứ 3 (mũi bổ sung) đầu tiên được tiêm chủng vào ngày 10-12-2021 cho những người suy giảm miễn dịch, tuyến đầu chống dịch… Đến nay đã hơn 3 tháng rưỡi kể từ thời gian bắt đầu tiêm mũi 3 cho các nhóm này.

Tại Hà Nội, cũng từ cuối tháng 12-2021 đã bắt đầu triển khai tiêm mũi 3 cho người dân. Như vậy đã đến lịch tiêm mũi 4 cho người cao tuổi, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch… đã tiêm mũi 3 (mũi bổ sung) từ cuối 2021.

Theo ông Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM, ở những nhóm người đã tiêm mũi 3 đến nay được 3 tháng rưỡi thì có thể bắt đầu tiêm mũi 4 (mũi nhắc thứ 2, second booster), nhưng không nhất thiết và tốt nhất là tiêm sau hơn 4 tháng kể từ lúc tiêm mũi 3.

Ông dẫn chứng ở Israel đã tiêm mũi 4 nhưng không tiêm cho tất cả mọi người, chỉ tiêm cho người già, người có bệnh nền, đáp ứng miễn dịch kém. Tại Hoa Kỳ, trước đây họ đề nghị mũi 4 cách mũi 3 là 5 tháng nhưng gần đây CDC đề nghị khoảng cách tiêm cho người bị suy giảm miễn dịch là 3 tháng.

“Hiệu quả của vắc xin mũi 4 rất thấp, do đó không cần thiết tiêm cho tất cả mọi người mà chỉ cần tiêm ở những người có nguy cơ cao, người có hệ miễn dịch bị suy yếu. Về thời gian khoảng cách giữa mũi 3 và 4 thì càng xa càng tốt. Nếu ở Israel tiêm mũi 4 cách mũi 3 ít nhất 4 tháng, thì chúng ta có thể tiêm trên 4 tháng trở lên”, PGS Dũng nói.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 cho người dân cần phải có sự nghiên cứu kỹ càng.

“Hiện nay, trên thế giới nhiều quốc gia cũng chưa tổ chức tiêm mũi 4, một số quốc gia tiêm cho những người có nguy cơ. Việc tiêm vắc xin mũi 4 chưa nhiều nên chúng ta càng phải kỹ càng trong việc nghiên cứu và chuẩn bị, không nên vội vàng. Bộ Y tế nên có những khuyến cáo rõ ràng về thời gian tiêm chủng, loại vắc xin tiêm bổ sung để mang lại hiệu quả cao nhất”, ông Phu nêu ý kiến.

L.ANH – D.LIỄU – X.MAI
TTO