24/11/2024

Doanh nghiệp vẫn gánh lãi vay cao

Doanh nghiệp vẫn gánh lãi vay cao

Dù các ngân hàng công bố nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi nhưng rất nhiều DN vẫn gánh lãi suất khá cao, tới 8 – 9%/năm. Trong khi đó, gói hỗ trợ lãi suất trong chương trình phục hồi kinh tế vẫn đang phải chờ.

 

 

LS giảm sẽ mạnh dạn vay mở rộng sản xuất

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho hay công ty vẫn đang có hợp đồng vay vốn tại một số ngân hàng. Lãi suất (LS) vay thấp nhất là 5,5%/năm và cao nhất là 6,2%/năm.

Doanh nghiệp vẫn gánh lãi vay cao - ảnh 1
Doanh nghiệp ngóng được hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết của Chính phủ    NGỌC THẮNG

Nếu so với một năm trước thì mức LS 6,2%/năm đã được giảm gần 2% nhờ vào chính sách kêu gọi giảm lãi của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ và cũng do công ty luôn có lịch sử tín dụng tốt, là đơn vị chuyên xuất khẩu nên cam kết thu ngoại tệ và bán lại luôn cho ngân hàng. Ông cho biết, cùng ngành may mặc nhưng có nhiều đơn vị quy mô nhỏ nên LS vay vốn cao hơn, trên 7%/năm. “Mức LS này vẫn cao với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, nhiều nguyên vật liệu như bông, sợi tăng giá từ 30 – 40%. Tính trung bình thì chi phí đầu vào đã tăng hơn 15% trong khi hàng xuất khẩu không thể tăng giá. Đáng lo hơn là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa chấm dứt khiến hàng hóa đều tăng giá, nguy cơ lạm phát lên cao. Vì thế, hàng may mặc xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng từ nửa cuối năm, nhất là ở thị trường EU”, ông Việt dự báo và lý giải, khi kinh tế khu vực này khó khăn, người dân sẽ tiết kiệm chi tiêu khiến nhu cầu xuống thấp. Các đơn hàng dệt may thu đông sẽ bị sụt giảm thì DN ngành dệt may càng gặp khó hơn.

Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX thanh long Tầm Vu (Long An), thì cho biết đơn vị này vẫn phải vay ngân hàng với LS 8,5 – 9%/năm. Điều này khiến đơn vị khó càng thêm khó khi ngành nông nghiệp vẫn đối diện với nhiều rủi ro trong đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng bị ùn ứ khi xuất khẩu. Bà Trần Tuyết, Giám đốc một công ty sản xuất tại TP.HCM, cho biết hiện công ty đang có vài hợp đồng tín dụng tại ngân hàng với LS vay từ 7 – 8%/năm. Mức LS này đã thấp hơn so với hợp đồng vay trước đó mà DN phải “gánh” là 10,5%/năm. “Nếu LS giảm được xuống 5 – 6%/năm theo gói hỗ trợ tín dụng LS 2% mà Quốc hội đã thông qua thì DN sẽ mạnh dạn vay nhiều hơn để khôi phục sản xuất. Bởi khi đó chi phí tài chính của công ty cũng giảm đi nhiều”, bà Tuyết chia sẻ nhưng vẫn lo lắng: “Quan trọng là DN có được tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ LS 2% hay không, có đáp ứng được các điều kiện mà ngân hàng cho vay đưa ra hay không … Chứ LS vay rẻ mà yêu cầu khó quá thì DN cũng ngại”, bà Tuyết cho hay.

 

Gần hết quý 1, hỗ trợ vẫn chưa triển khai

Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các DN, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ LS 2% cho các khoản vay trong năm 2022 – 2023. Ước tính tổng gói hỗ trợ LS này là 40.000 tỉ đồng. Thế nhưng, cho đến nay khi gần hết quý 1/2022, chính sách này vẫn chưa được triển khai đến tay DN, hộ kinh doanh.

Ông Phạm Văn Việt thừa nhận, mức lãi vay 6,2%/năm của DN ông vốn được xem là thấp so với nhiều đơn vị khác thì vẫn còn khá cao bởi trước đây, các DN xuất khẩu sẽ được vay USD để nhập nguyên phụ liệu LS chỉ khoảng 2,5%/năm. Sau khi hàng xuất đi thu USD về sẽ trả lại ngân hàng. Nhưng nay việc vay USD bị siết chặt trong khi ngoại tệ DN thu về sau khi xuất khẩu sản phẩm sẽ bán ngay cho ngân hàng với giá thấp nên lợi nhuận càng bị giảm sút. Vì vậy, nếu như các DN xuất khẩu được vay tiền đồng nhưng LS chỉ xoay quanh mức 4%/năm thì sẽ đỡ khó khăn hơn trong áp lực vòng xoáy chi phí đầu vào liên tục đi lên như hiện nay. Nhất là khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, DN phải gồng mình với chi phí phòng chống Covid-19, hỗ trợ người lao động bị bệnh. “Mức lãi vay 4%/năm với các DN xuất khẩu thì các ngân hàng vẫn có lãi. Bởi hiện nhiều DN chưa thể mạnh dạn đầu tư nên nguồn tiền thu từ hoạt động xuất khẩu vẫn gửi trong tài khoản không kỳ hạn khá nhiều nhưng LS hầu như không bao nhiêu”, ông Việt tính toán.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết tùy thuộc vào mỗi ngân hàng khác nhau mà LS cho vay cũng cách xa. Mức LS thấp nhất mà công ty này vay được là 6%/năm nhưng cũng có hợp đồng mà lãi vay lên gần 9%/năm. Trong khi đó mọi chi phí đầu vào đều tăng phi mã, nhất là cước vận chuyển, logistics… khiến doanh số quý 1/2022 vẫn không tăng so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, DN luôn mong muốn được giảm LS hơn nữa, nhất là khi Chính phủ đã thông báo hỗ trợ LS 2% cho nhiều ngành nghề. “Chưa biết các ngân hàng sẽ tính như thế nào? Nếu như DN được giảm cho hợp đồng đã ký với những khoản giải ngân mới trong năm nay thì sẽ thấy rõ ràng hơn. Còn nếu như năm trước công ty vay với LS 9%/năm nhưng ngân hàng chỉ thông báo chung là LS cho vay mới ở mức 8%/năm thì DN cũng không biết kêu ai”, ông Tùng băn khoăn. Còn một DN chuyên sản xuất thực phẩm tại TP.HCM không muốn nêu tên cho hay các hợp đồng vay vốn lưu động (thời gian vay thông thường là 6 tháng) của công ty luôn dao động trên 7%/năm và chưa bao giờ được ngân hàng xem xét giảm xuống. Trong bối cảnh tất cả chi phí đầu vào từ nguyên phụ liệu, chi phí vận hành đều tăng cao đã “ngốn” gần hết lợi nhuận của công ty thì chính sách hỗ trợ LS của Chính phủ sớm triển khai đến tay DN sớm được ngày nào tốt ngày đó.

Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong tháng 2 chậm lại và giảm so với tháng 1. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trong tháng 2 giảm 23.000 tỉ đồng so với tháng 1. Tăng trưởng tín dụng cuối tháng 2 ở mức 2,52% so với cuối năm 2021, thấp hơn mức tăng 2,74% ghi nhận vào cuối tháng 1. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm ngân hàng đã bơm ròng ra thị trường 263.000 tỉ đồng. Trong khi chờ gói hỗ trợ LS cho vay 2% được ban hành, một số ngân hàng đưa ra các gói tín dụng lãi vay thấp như Vietcombank dành 49.000 tỉ đồng cho DN vừa và nhỏ vay với LS từ 5,6%/năm; BIDV dành 200.000 tỉ đồng với LS vay từ 5 – 5,5%/năm triển khai đến cuối năm 2022 dành cho khách hàng kinh doanh, vay tiêu dùng…

MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN

TNO