Vụ ‘khát’ xăng lan đến TP.HCM: Doanh nghiệp cam kết đảm bảo nguồn cung
Vụ ‘khát’ xăng lan đến TP.HCM: Doanh nghiệp cam kết đảm bảo nguồn cung
Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM cho hay việc một số đại lý xăng dầu chỉ bán cho người tiêu dùng theo định mức 30.000 đồng/xe máy chỉ là thiểu số, doanh nghiệp vẫn đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hệ thống.
Ngày 18-2, trao đổi với chúng tôi, ông Cao Hoài Dương – chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) – cho biết ngoài việc lấy nguồn từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), PVOIL cũng tăng cường nhập khẩu xăng dầu để bù đắp lượng thiếu hụt nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn khi nhà máy này giảm công suất hoạt động.
Cụ thể, phía PVOIL đã tăng nhập khẩu 30 – 40% so với bình thường. “Do PVOIL là doanh nghiệp lớn, có các đối tác làm ăn lâu dài nên việc nhập khẩu vẫn đảm bảo cả số lượng lẫn tiến độ, tuy nhiên vấn đề các doanh nghiệp gặp phải hiện nay là giá nhập khẩu theo thị trường, chẳng thể hy vọng mua rẻ được”- ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, đến nay PVOIL vẫn đảm bảo cung cấp nguồn hàng cho các đại lý theo đúng cam kết. Tuy nhiên, có nhiều đại lý lấy thêm lượng hàng lên đến 20 – 30% sản lượng và tùy từng trường hợp PVOIL vẫn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Đối với hệ thống bán lẻ và các cây xăng của PVOIL, ông Dương khẳng định vẫn mở cửa bán hàng và hoạt động bình thường trong cả nước, trong đó có TP.HCM, nên người dân hoàn toàn yên tâm khi đến mua xăng tại các hệ thống của doanh nghiệp này.
Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cũng cho hay doanh nghiệp này có 6 cây xăng trực thuộc, 9 đại lý nhượng quyền và nhiều hệ thống thương nhân phân phối (được nhập hàng từ nhiều nguồn – PV) trên địa bàn TP.HCM.
Đến thời điểm này, Saigon Petro vẫn đảm bảo nguồn cung cho hệ thống đến đầu tháng 3, trong đó Nhà máy lọc dầu Dung Quất cam kết sẽ cung cấp đủ trong đầu tháng 3-2022.
Saigon Petro cũng đã tăng cường nhập khẩu bởi nguồn cung nội địa mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu, nhưng chưa chốt hợp đồng.
Đến ngày 18-2, Saigon Petro cũng bán hàng cho các doanh nghiệp theo tiến độ và định mức trung bình mà trước đó các doanh nghiệp đã mua. “Chúng tôi không dám bán nhiều nhằm tránh hiện tượng găm hàng, chờ tăng giá để được hưởng chênh lệch lớn” – vị này nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) cũng cho hay đã tăng nhập khẩu nên ngoài việc đảm bảo nguồn cung cho cửa hàng xăng dầu của hệ thống thì doanh nghiệp này cũng đảm bảo nguồn cung, chiết khấu cho các hệ thống nhượng quyền.
“Chúng tôi cam kết không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung xăng dầu đối với hệ thống này tại TP.HCM và các tỉnh lân cận”, vị này khẳng định.
Đại diện một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM thừa nhận đang có tình trạng “găm” hàng để chờ kỳ điều hành giá mới với kỳ vọng giá bán lẻ xăng dầu sẽ tiếp tục tăng bởi giá xăng dầu trên thị trường thế giới vẫn đang tăng.
“Do đó, khi có nhu cầu, người dân nên đến các cây xăng lớn thuộc các hệ thống kinh doanh xăng dầu uy tín như PVOIL, Petrolimex, Saigon Petro… để tránh trường hợp bị từ chối bán xăng hay bị giới hạn lượng mua”, vị này khuyến cáo.
Trước đó, tại buổi họp báo vào chiều 17-2, ông Nguyễn Nguyên Phương – phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM – cũng khẳng định không có chuyện thiếu xăng dầu; việc thiếu xăng dầu ở một số doanh nghiệp trên địa bàn TP chỉ là cục bộ và tạm thời, chủ yếu do các đơn vị này nhập xăng dầu từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo Sở Công thương TP.HCM, trên địa bàn có gần 550 cây xăng đang hoạt động, trong đó có 27 cửa hàng phục vụ 24/24 giờ. Với mức tiêu thụ của TP trong một tháng khoảng 216.000m³, lượng xăng dầu dự trữ theo báo cáo của 8/15 doanh nghiệp đầu mối tại TP sẽ đảm bảo được một tháng.
Giá xăng dầu sẽ về đâu?
Việc giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng trong tuần này được coi là tín hiệu cho thấy giá dầu có thể còn tăng thêm trong thời gian tới. Không chỉ nhu cầu tăng mà các vấn đề trong sản xuất, cung ứng và căng thẳng Ukraine – Nga cũng góp phần đẩy giá dầu lên.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 ảnh hưởng lớn đến nhiều thị trường nhưng không thị trường nào “điên loạn” hơn dầu thô, từ mức (-) âm 40 USD/thùng vào tháng 4-2020 (do dư thừa phải trả phí kho chứa) đã leo lên ngưỡng 100 USD/thùng vào ngày 16-2 (giá Dated Brent – dầu giao ngắn hạn), lần đầu tiên kể từ năm 2014. Ngày 18-2, giá dầu giao tháng 4-2022 vẫn quanh mốc 92 USD/thùng.
Theo Hãng tin Bloomberg, giá dầu tăng mạnh thời gian qua do nhu cầu của thế giới đang hồi phục vượt mức sản xuất của các nước xuất khẩu. Thực tế là nhiều thành viên của nhóm OPEC+, gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu và các đối tác, không thể cung cấp đủ dầu sau một thời gian cắt giảm sản lượng và đầu tư.
Nhưng việc dự đoán nhu cầu trong tình hình hiện tại cũng không phải là điều dễ dàng. Sau sự kiện “Tháng tư đen tối” 2020, nhu cầu dầu của thế giới vào cuối năm đó đã hồi phục 90% so với trước dịch rồi lại sụt giảm do làn sóng dịch nối tiếp nhau. Do đó, các nước sản xuất dầu vẫn tỏ ra thận trọng trong việc đẩy sản lượng.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung dầu hiện hồi phục 95%, trong khi nhu cầu đã bằng 98% so với trước dịch. IEA tuần trước đã cảnh báo giá dầu sẽ còn tăng nếu các nước xuất khẩu không đẩy mạnh sản xuất. Giới phân tích cho rằng cơn sốt giá Dated Brent phản ánh tâm lý của giới đầu tư sẵn sàng chi mạnh để có được nguồn dầu đảm bảo.
Sự “sốt ruột” này có thể góp phần nâng giá dầu trong thời gian tới. Một vấn đề khác là căng thẳng ở biên giới Ukraine – Nga cũng được cho là đã đóng góp không nhỏ vào giá dầu. Dù Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, bác bỏ cáo buộc về việc sắp xua quân sang Ukraine, những cảnh báo và đe dọa trừng phạt của Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn khiến giới đầu tư lo lắng.
“Xung đột Nga – Ukraine là một nhân tố đằng sau việc tăng giá trong tháng 1-2022. Giá năng lượng tăng trong bối cảnh lo ngại rằng xung đột sẽ làm chậm quá trình cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên của Nga đến các thị trường toàn cầu” – Bill Adams, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Comerica, đánh giá trên tờ Forbes.
TRẦN PHƯƠNG