EU viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 210 triệu Euro
EU viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 210 triệu Euro
Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố khoản viện trợ không hoàn lại tối đa 210 triệu Euro từ năm 2021 – 2024 cho Việt Nam.
Khoản viện trợ này nằm trong chương trình hợp tác định hướng đa niên (MIP) nhằm giúp Việt Nam củng cố và cụ thể hóa quan hệ hợp tác giữa 2 bên trong các lĩnh vực ưu tiên như nền kinh tế tuần hoàn số thích ứng với khí hậu, tinh thần khởi nghiệp có trách nhiệm và nâng cao tay nghề để hướng đến việc làm xứng đáng, cũng như tăng cường quản trị, pháp quyền và cải cách thể chế.
Thông tin được đưa ra nhân chuyến thăm của Phó chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans đến Việt Nam từ ngày 17 đến 19-2, nhằm tiếp tục trao đổi về các cam kết quan trọng mà Việt Nam đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Khí hậu ở Glasgow (COP26), cũng như thảo luận về những hỗ trợ mà EU có thể đưa đến cho Việt Nam trong nỗ lực nhanh chóng giảm thiểu khí thải nhà kính.
“EU sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng to lớn để tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo, và trong những ngày vừa qua chúng tôi đã thảo luận về các phương hướng áp dụng kinh nghiệm, chuyên môn và hỗ trợ tài chính của châu Âu để đẩy nhanh sự chuyển đổi này”, ông Timmermans nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửa Long với dân số 20 triệu người là nơi gặp nhiều nguy cơ như sụt lún đất, những hình thái thời tiết khắc nghiệt, tình trạng nước ngầm nhiễm mặn hay mực nước biển dâng cao. Vì vậy, cần thêm gấp những nguồn đầu tư cho thích ứng biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu khí hậu, bao gồm các giải pháp dự vào thiên nhiên.
Đánh giá về cam kết của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong hội nghị COP 26, ông Timmermans cho rằng: “Việt Nam đã có một bước tiến tham vọng khi đặt mục tiêu đưa lượng phát thải ròng về 0 trước năm 2050. Đây là một mục tiêu quan trọng, và đòi hỏi trước nhất việc dùng các kế hoạch mới cho các dự án nhiệt điện than không có công nghệ giữ lại CO2, đồng thời giảm dần sản lượng điện than, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26 với “Tuyên bố Chuyển từ Điện than sang Điện sạch”.
Chuyến thăm của ông Timmermans cũng đánh dấu bước khởi đầu quá trình triển khai chương trình phát triển và hợp tác quốc tế giữa EU và Việt Nam giai đoạn 2021-2027.
Việc thông qua MIP mới này là một bước quan trọng giúp củng cố và cụ thể hóa quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam. MIP sẽ tạo điều kiện cho EU và Việt Nam tiếp tục hợp tác cùng nhau trong các chương trình và dự án được xây dựng trên các mục tiêu, nguyên tắc và giá trị chung.
Trong chuyến thăm, ông Timmermans đã hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; cùng đại diện các cơ quan phi chính phủ tại Việt Nam.