23/11/2024

Sẽ còn ‘giới mộ điệu tài tử Nam bộ’ như thế không?

Sẽ còn ‘giới mộ điệu tài tử Nam bộ’ như thế không?

Tôi nhập cuộc cùng “giới mộ điệu tài tử Nam bộ” đêm tết. Tôi nghiền ngẫm tiếng nhạc lời ca, nhớ lại khi lên ba, lên năm theo ba mẹ ra đồng, nghe tiếng ai hát văng vẳng những điệu lý, câu dân ca của xứ sở…

 

 

1. Quê tôi ở ngã ba rạch Vàm Lẽo – sông Bạc Liêu (ranh giới địa phận của 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu). Những ngày lễ, tết, đám tiệc hay như Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay là dịp không thể nào quý hơn để các “giọng ca vàng” quê tôi dành trọn thời gian bên gia đình và… trổ tài văn nghệ. Có người sắm các dàn karaoke để thi nhau hát qua các bờ kênh, có người ca “chay” (ca không đàn nhạc) tại các bàn nhậu, có gia đình tụ họp để sinh hoạt đờn ca tài tử.

Chập tối mùng 5, dì Tư quày quả dọn cái bàn nhỏ trước sân, để các loại bánh kẹo, thức ăn. Còn dượng Tư tôi – ông Nguyễn Văn Cường dọn sạch sẽ một góc trước sân nhà, bày biện bộ amply, đặt sẵn cây guitar và đờn kìm. Buổi đãi bạn và sinh hoạt tài tử sẽ diễn ra trong chốc nữa.

2. Quanh bàn tiệc, những cuộc nói chuyện, thăm hỏi công việc, gia đình lẫn nhau hầu như không đầu không cuối. Khi đồng hồ báo 20 giờ, muỗi đã bu đen dưới chân, các chung “gụ” (rượu), ly bia vẫn được nâng lên, cạn rồi đầy. Dượng Tư tôi đứng dậy, nhấc guitar, chú Thiện – bạn của dượng cũng bước khỏi bàn và cầm chiếc đờn kìm.

Sẽ còn 'giới mộ điệu tài tử Nam bộ' như thế không? - ảnh 1
Buổi sinh hoạt đờn ca tài tử mở đầu bằng bài Lưu Thủy Trường  LÊ TRỌNG

Dượng tôi và chú Thiện, đều là những “tài tử” thứ thiệt. Họ chơi tổng phổ dàn nhạc lễ, chuyên phục vụ, lưu diễn ở các sự kiện, lễ hội lớn, các cuộc thi, liên hoan về vọng cổ của tỉnh nhà. Dượng tôi học và chơi nhiều loại nhạc cụ từ nhỏ, nhưng đó không phải là kế sinh nhai chính của ông. Còn chú Thiện thì đã dành cả đời cho loại hình nghệ thuật ấy.

Hai “tài tử” rít sâu điếu thuốc, rồi bắt đầu so dây, “rao đờn”, thử âm giai, ngũ cung, đạp song lang khai trường. Đó chắc chắn là một nghi thức. “Tài tử” cần “sửa soạn cho trái tim mình” dẫu họ không mặc áo dài, khăn đóng trang trọng. Và buổi sinh hoạt này chỉ là ngẫu hứng.

3. Không gian bắt đầu dần yên ắng, bàn tiệc dồn tất cả sự chú ý về hướng 2 “tài tử” cho tới khi có ai đó cầm micro và cất lời giới thiệu.

Người ngồi kế tôi là ông Phạm Tư Ky. Ông Tư Ky có con trai nối nghiệp và hiện là diễn viên trẻ nổi tiếng của đoàn cải lương Cao Văn Lầu. Ông “khai pháo” với điệu Lưu Thủy Trường. Sau đó, các điệu Văn Thiên Tường, Phú Lục Chấn nối tiếp ngân vang.

Sẽ còn 'giới mộ điệu tài tử Nam bộ' như thế không? - ảnh 2
Dượng tôi (trái) cùng bạn là những “ngón đờn” chơi tổng phổ dàn nhạc lễ  LÊ TRỌNG

Dù không có nhiều kiến thức loại hình này nhưng nghe quen từ nhỏ, tôi có thể nhận ra và phân biệt ít nhiều 20 bản tổ (Ba Nam, Sáu Bắc, Bảy Hạ, Bốn Oán). Mỗi lần về thăm quê, tôi có cơ hội biết thêm điệu mới, lời bài hát mới. Đờn ca tài tử với tôi luôn là một kho tàng về sử, địa và triết học không bao giờ cạn.

Nhưng nếu có dịp trải nghiệm không khí tết qua các buổi đờn ca tài tử miệt vườn này, có thể vị khách mới sẽ nghe các điệu ấy nhiều hơn ở các bài vọng cổ, cải lương (cải lương dựa trên nền tảng nhạc tài tử, tuy nhiên 2 loại hình khác nhau trên nhiều phương diện. Các bài vọng cổ, trích đoạn cải lương được trình diễn chung, kết hợp để các buổi sinh hoạt trở nên đa dạng, câu từ lời ca mùi mẫn hơn).

Đại loại: “Trên sông… Thương. Một đêm trăng nước mơ màng. Trầm lặng giữa không gian. Lá bay nhẹ nhàng. Dật dờ trên bến Cô Giang” (lớp 1, Nam Ai). Hoặc: “Ra bờ sông anh hẹn với em. Mai mốt đây anh mang cau trầu nhờ người xe duyên tình ta. Em chớ nên lo buồn, anh đã thưa cùng mẹ cha” (Điệu Lý con sáo Gò Công trong bài vọng cổ “Chợ Mới” của soạn giả Trọng Nguyễn) và điệu Lưu Thủy Hành Vân trong trích đoạn cải lương “Chuyện tình An Lộc Sơn” với lời ca rất ngọt ngào: “Hoa hé nụ còn thua đôi nét môi. Làng mắt xanh như cười. Ai đem non biếc, trái xanh thành đôi mi. Màu tà dương ửng trên môi hồng”…

Sẽ còn 'giới mộ điệu tài tử Nam bộ' như thế không? - ảnh 3
Buổi sinh hoạt quanh bàn tiệc đêm tết quê  LÊ TRỌNG

Ba tôi, không rành về âm nhạc nhưng biết vô đúng nhịp, thuộc nhiều bài, cũng góp thêm buổi sinh hoạt 6 câu vọng cổ “Em đi chùa Hương” của soạn giả Viễn Châu, phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp: “Hỡi chiếc thuyền ai đang nhẹ lướt trên sông xin chờ tôi đi với. Duyên dáng làm sao mái tóc cô em gió đùa phất phới, quyện mù sương trên mặt nước sông… đầy”.

4. Chẳng mấy lần tôi có cơ hội ngồi chung với giới “mộ điệu tài tử Nam bộ”… miệt vườn như thế. Những tài tử ấy chân quê, đôi tay lấm lem bùn đất và chai sạn vì quanh năm lo chuyện đồng áng nay trong giây lát thành “Phím đờn dìu dặt tay tiên” (Truyện Kiều, Nguyễn Du). Họ điệu nghệ, ngẫu hứng và tinh hoa. Tôi nghiền ngẫm tiếng nhạc lời ca, thấy mình ẩn hiện ở cái tuổi lên ba, lên năm khi lon ton theo ba mẹ đi đồng, nghe ai đó hát văng vẳng những làn điệu dân ca của quê hương, xứ sở… Buổi sinh hoạt như ôn lại tâm tình của thời đại đã qua. Có lẽ vì vậy, sự háo hức của tôi vào những ngày lễ, tết luôn khác những ngày thường. Khi lập thân nơi phố thị, nghe biết bao loại nhạc, nhưng tôi vẫn tha thiết muốn hiểu và “chơi” khi có buổi sinh hoạt truyền thừa ở quê như thế. Không biết rồi tương lai sẽ còn bao nhiêu giới mộ điệu ấy, nhưng đêm tết nay, các tài tử, nghệ nhân, vẫn nhập tâm và còn ngẫu hứng lắm.

LÊ TRỌNG

TNO