23/11/2024

F0 nhẹ tự khỏi, sau đó mệt mỏi không làm được gì: Do đâu và nên làm gì?

F0 nhẹ tự khỏi, sau đó mệt mỏi không làm được gì: Do đâu và nên làm gì?

Khi theo dõi các biến chứng hậu COVID-19, bác sĩ nhận thấy có một nhóm ca bệnh khá đặc biệt: bệnh rất nhẹ khi còn là F0, nhưng hậu COVID-19 thì nặng nề, người mệt mỏi, khó thở, bồn chồn, không thể làm bất kỳ việc gì kể cả tay chân lẫn trí óc…

 

 

 

F0 nhẹ tự khỏi, sau đó mệt mỏi không làm được gì: Do đâu và nên làm gì? - Ảnh 1.

Bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương – Ảnh: BVCC

Chị Nguyễn My (33 tuổi, Hà Nội) xét nghiệm dương tính từ ngày 10-12-2021, đến ngày 5-1-2022 chị khỏi bệnh, xét nghiệm âm tính. Khi mắc COVID-19, chị không có triệu chứng nặng, chỉ sốt, sổ mũi như người bị cúm thông thường.

Khi F0 thì nhẹ, hậu COVID-19 lại nặng nề

Thế nhưng đến nay sau 20 ngày âm tính, chị My thường xuất hiện các triệu chứng khó thở, đau đầu, nhức mỏi toàn thân. “Không biết tôi có phải bị mắc hậu COVID-19 hay không nhưng các triệu chứng khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó tập trung làm việc”, chị My nói.

Cũng như chị My, anh Lê Văn Quang (30 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) mắc COVID-19 với các triệu chứng nhẹ, sốt 2 ngày kèm theo sổ mũi. Sau khi điều trị tập trung 7 ngày anh khỏi bệnh và được ra viện, nhưng thời điểm hiện nay anh gặp nhiều triệu chứng hậu COVID-19.

“Tôi thường xuyên khó thở, ho kéo dài, sợ nhất là những cơn ho đến tức ngực, váng đầu. Hơn nữa cảm giác người lúc nào cũng nóng dù đo nhiệt độ chỉ hơn 36 độ C. Không hiểu lý do gì, trước đây cơ thể rất khỏe còn giờ thì cảm giác người như ‘đi mượn'”, anh Quang khổ sở.

Mất khứu giác từ khi mắc COVID-19, anh Nguyễn Văn Tâm (quận Đống Đa, Hà Nội) đến nay vẫn chưa ngửi rõ mùi. “Muốn ngửi được tôi phải gí sát mũi mới cảm nhận được. Do đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 nên khi mắc, triệu chứng của tôi khá nhẹ, đến ngày thứ 5 mới bị mất khứu giác. Nhưng đến giờ sau khi khỏi bệnh 15 ngày rồi nhưng vẫn không lấy lại được khứu giác”, anh Tâm chia sẻ.

Mất khứu giác khiến việc ăn uống của anh Tâm cũng không được như trước, luôn có cảm giác chán ăn kèm theo mất ngủ khiến cơ thể trong trạng thái mệt mỏi.

Nên tập thể dục nhẹ nhàng, sống vui vẻ, không lo âu

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ F0, chia sẻ anh đang điều trị cho 4-5 bệnh nhân có tình trạng như các trường hợp kể trên, tức khi là F0 thì nhẹ nhàng, gần như không cần điều trị mà tự khỏi. Nhưng sau khi âm tính thì mệt mỏi, không đi làm được kể cả chân tay lẫn trí óc, kèm theo những rối loạn về sức khỏe, suốt ngày phải đi khám bệnh.

“Tôi cho rằng có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là những vấn đề về phổi như xơ hóa phổi, giảm dung tích phổi sau COVID-19, thứ 2 là rối loạn thần kinh thực vật. Những rối loạn thần kinh thực vật có thể tồn tại sau khi hết COVID-19 và làm ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, cụ thể là làm rối loạn điện giải, cơ thể như không có sức, người hồi hộp, thở gấp, nóng phừng phừng, ra nhiều mồ hôi…”, bác sĩ Hoàng cho biết.

Thông thường những triệu chứng này có thể hết sau 6-8 tuần nếu được điều chỉnh hợp lý về lối sống, chế độ tập luyện, ăn nghỉ… Bác sĩ Hoàng cũng cho rằng những người thần kinh yếu dễ gặp tình trạng này hơn.

“Chưa biết được tỉ lệ người gặp biến chứng hậu COVID-19 trong số F0, nhưng hầu hết F0 mà tôi có dịp trò chuyện hoặc tư vấn đều cho biết hậu COVID-19 họ đều gặp một hay một số vấn đề sức khỏe, chỉ có một tỉ lệ nhỏ nói họ khỏe mạnh ngay sau khi khỏi bệnh, y như người bình thường. Đến nay Việt Nam đã ghi nhận trên 2,1 triệu ca từ đầu mùa dịch, nên có khảo sát về vấn đề này”, bác sĩ Hoàng đề xuất.

Bác sĩ Hoàng cũng cho rằng ngoài tập thở để hỗ trợ cho phổi, mỗi F0 sau khi khỏi bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng 2-3 lần/ngày, mỗi lần 10-30 phút tùy sức khỏe. Bên cạnh đó là thư giãn đầu óc, tránh lo lắng, nếu cần tư vấn tâm lý và điều trị bằng thuốc thì nên hỏi ý kiến bác sĩ.

“Rối loạn thần kinh thực vật hay gặp ở người hay lo, lo bị COVID-19, lo khi đi tiêm vắc xin…, khi lo thì lập tức có rối loạn thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến co bóp mạch máu, thiếu máu lên não”, bác sĩ Hoàng lưu ý.

LAN ANH – DƯƠNG LIỄU
TTO