21/12/2024

Người lớn còn chờ gì nữa mà không cho trẻ đến trường, học sinh đi học?

Người lớn còn chờ gì nữa mà không cho trẻ đến trường, học sinh đi học?

‘Trẻ không thể học được cách phát triển cảm xúc khi chỉ ở nhà, nếu mất hết những kỹ năng đó thì cực kỳ nguy hiểm. Người lớn đi làm, mọi hoạt động đã mở chúng ta còn chờ gì nữa mà không cho con đến trường’, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

 

 

Người lớn đã đi làm, tại sao không cho con đi học?

Chiều 31.12 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Học trực tuyến kéo dài: Những điều đáng lo!”.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết ông nhận được rất nhiều câu hỏi, chia sẻ của phụ huynh về việc cho trẻ đi học lại. Trong đó, ông cho biết tỷ lệ phụ huynh là 50/50 khi nói về việc cho con quay trở lại trường.

“Học trực tuyến thời gian dài ai cũng được nếm mùi khó khăn, khi dịch bệnh nhiều mà người lớn chưa chích ngừa thì đúng là rào cản lớn nếu chúng ta cho trẻ đi học. Nhưng bây giờ khi hầu hết người lớn đã được chích ngừa, mọi người cũng đã quay lại với cuộc sống thường nhật thì nguy cơ người lớn mang mầm bệnh về nhà còn cao hơn so với việc cho trẻ đi học. Trong khi hiện nay trẻ cũng đã đi sang nhà hàng xóm, đi siêu thị, đi ra ngoài… Nếu chúng ta vẫn cho rằng tới trường nguy hiểm hơn đi ra ngoài là sai vì trong trường việc kiểm soát dịch sẽ tốt hơn những điểm công cộng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích.

Bác sĩ Khanh cho rằng, tất cả mọi người dù không muốn cho con đến trường nhưng phải hiểu rằng học trực tuyến rất nặng nề với trẻ. Trong khi đó, học sinh lớp 9 và 12 đi học hơn 2 tuần qua rất ổn định, phụ huynh không nên quá lo lắng.

Người lớn còn chờ gì nữa mà không cho trẻ đến trường, học sinh đi học? - ảnh 1
Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc người lớn cần phải cho trẻ đến trường CHỤP MÀN HÌNH

“Rất rõ ràng là trẻ mắc bệnh này rất nhẹ so với các bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… nên phụ huynh cần cân nhắc rằng quyết định của mình là vì người lớn hay vì đứa trẻ”, bác sĩ Khanh đặt câu hỏi và cho rằng để một đứa trẻ phát triển bình thường thì con cần được tung tăng, vui chơi, chạy nhảy…

Tương tự, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Kiều Tiên, Trưởng khoa Khám tâm lý-Tâm thần trẻ em – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cũng cho biết đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp phụ huynh đến khám và cũng ghi nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau của cả phụ huynh và học sinh.

Bác sĩ Kiều Tiên cho rằng học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế khi chúng ta phải đối diện với dịch Covid-19 và người người, nhà nhà đều phải thích ứng, thích nghi với sự thay đổi liên tục trong nhiều tháng qua dưới tác động của dịch bệnh.

Khi quyết định học trực tuyến thì trẻ phải thích ứng sự chuyển đối từ việc tới trường sang việc học tại nhà. Nếu như trước đây các em được giáo dục rằng hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử vì chúng có hại thì hiện nay các em lại phải sử dụng chúng hàng ngày trong khoảng thời gian dài… Mọi thứ khiến trẻ bị đảo lộn.

Bác sĩ Kiều Tiên cho biết, khi trẻ sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều thì trẻ dễ mắc rất nhiều bệnh về tật khúc xạ, thị giác, hệ thần kinh… Đặc biệt, tỷ lệ trẻ mắc bệnh rối loạn vận động ngoài ý muốn… có nguy cơ gia tăng trong thời gian này. Đây là bệnh khiến trẻ có những cử động không kiểm soát lại, thậm chí phát âm ra những âm thanh trong vô thức…

Ngoài ra, học trực tuyến kéo dài có thể khiến trẻ rối loạn giấc ngủ, thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể như thức đêm ngủ ngày, thay đổi tâm sinh lý…

“Với những em ở nhà thường xuyên thì những biện pháp của bố mẹ trở nên vô hiệu, các em có thể trở nên chống đối, có những bạn bị lo âu (đặc biệt những học sinh giỏi) khi không biết hỏi ai trong học tập… Nếu không giải quyết được các em dễ bị trầm cảm”, bác sĩ Kiều Tiên nói.

Người lớn còn chờ gì nữa mà không cho trẻ đến trường, học sinh đi học? - ảnh 2
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng việc phát triển tâm sinh lý của trẻ cũng rất quan trọng bên cạnh yếu tố an toàn về sức khỏe CHỤP MÀN HÌNH

Trẻ thiếu hụt nhiều kỹ năng khi ở nhà quá lâu

Nói về việc phát triển tâm, sinh lý cũng như các kỹ năng của trẻ trong thời gian này, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên cho biết trong giáo dục, trước dịch người lớn vẫn đặt nặng việc trẻ phát triển kỹ năng sống, giao tiếp, kỹ năng mềm… Do vậy, việc các em đến trường không đơn thuần chỉ học kiến thức mà còn giúp các em phát triển nhiều kỹ năng khác. Khi ở nhà quá lâu, việc học trực tuyến sẽ không thể đáp ứng, khiến các em bị mai một các kỹ năng, trẻ sẽ gặp khó khăn khi làm việc nhóm, khi giao tiếp… Đây là rào cản lớn khi các em trở lại cuộc sống bình thường.

Đặc biệt, là một bác sĩ Nhi, ông Trương Hữu Khanh cho biết rất lo lắng cho trẻ dưới 6 tuổi khi đã phải ở nhà quá lâu. 6 năm đầu đời rất quan trọng với sự phát triển của trẻ, sự giao tiếp giúp các con phát triển cảm xúc,

Trẻ không thể học được cách phát triển cảm xúc khi chỉ ở nhà. Nếu mất hết những kỹ năng đó thì cực kỳ nguy hiểm. Giờ người lớn đã đi làm, mọi hoạt động đã mở vậy chúng ta còn chờ gì nữa, muốn gì nữa mà không cho con đi học. Chúng ta chờ tới bao giờ”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, có nhiều gia đình có điều kiện cho trẻ ở nhà với ông bà. Trẻ được sống trong môi trường “quá sướng” với rất nhiều đồ chơi, chỉ có ông bà không tiếp xúc với trẻ cùng lứa tuổi, không đến trường thì các con dễ trở thành một “ông vua”, sẽ rất khó hòa nhập… khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

Đồng ý với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên cũng cho rằng ở lứa tuổi mầm non con bắt đầu bước ra xã hội để phát triển nhận biết cảm xúc người khác, tương tác với mọi người, học cách nhờ cậy, tuân theo kỷ luật, các kỹ năng tự phục vụ bản thân, diễn đạt…

Khi trẻ đã quen với việc ở nhà, không cần giao tiếp… thì mọi thứ sẽ “thui chột” dần dần, kỹ năng xã hội và giao tiếp của trẻ gặp vấn đề, trẻ sẽ chọn giải pháp né tránh, phản ứng khi được đưa ra môi trường mới.

Để giúp trẻ được “bình thường” trở lại, theo các chuyên gia người lớn cần tạo môi trường để con được sinh hoạt, vui chơi, sớm đưa trẻ quay trở lại trường học.

Trong trường hợp con được đi học trở lại thay vì lo lắng thì phụ huynh và nhà trường nên chuẩn bị thật kỹ các kỹ năng, kiến thức cũng như các bước xử lý để đảm bảo an toàn.

“Về mặt tinh thần nên làm công tác tư tưởng trước với con, trang bị những kiến thức mới cho con như cần chú ý quy tắc 5K, khi tiếp xúc, đi vệ sinh, ăn uống ra sao… Còn trường học khi mở cửa cũng cần cho trẻ thời gian thích ứng từ từ để trẻ có thể tái hòa nhập. Thay vì đặt nặng chương trình, chạy theo bài vở hãy quan tâm đến sức khỏe tâm thần của học sinh”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

 

NGUYỄN LOAN

TNO