TP.HCM lý tưởng cho người nước ngoài làm việc
TP.HCM lý tưởng cho người nước ngoài làm việc
Trang web cộng đồng quốc tế InterNations.org vừa công bố báo cáo xếp hạng các thành phố lý tưởng cho người nước ngoài đến làm việc (Expat City Ranking 2021), trong đó có nhắc đến tên TP.HCM.
Thành phố thân thiện
Bảng xếp hạng năm nay của InterNations khảo sát 12.420 lao động đang làm việc và sinh sống tại 186 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu đã bình chọn về 57 TP. Những người tham gia đã đánh giá nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, cả về cảm xúc, như sự dễ dàng trong việc tìm kiếm bạn bè đến sự sẵn có của dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Những khía cạnh đó lại được tập trung ở 4 chủ đề chính là chất lượng cuộc sống đô thị, ổn định cuộc sống, công việc, tài chính và nhà ở.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng hỏi về chi phí sinh hoạt tại địa phương nhưng không được tính vào bảng xếp hạng tổng thể, vì theo ban tổ chức để tránh trình bày quá mức về các khía cạnh tài chính. Kết quả, TP.HCM được xếp hạng 6 toàn cầu về nơi làm việc tốt nhất cho người nước ngoài, trong khi Kuala Lumpur (Malaysia) dẫn đầu. Đứng sau TP.HCM là Praha (CH Czech), Mexico City (Mexico), Basel (Thụy Sĩ) và Madrid (Tây Ban Nha).
Tiêm vắc xin Covid-19 cho người nước ngoài sống và làm việc tại TP.HCM LÊ NAM |
Ở một số hạng mục, TP.HCM được đánh giá cao như đứng thứ hai về mức độ hài lòng đối với chi phí sinh hoạt và đứng đầu trong hạng mục phụ về đánh giá tài chính (nếu tính chung với chỉ số nhà ở thì đứng thứ hai). Theo đó, 75% người nước ngoài nói rằng thu nhập hộ gia đình khả dụng của họ là quá đủ để trang trải chi phí và 77% hài lòng với tình hình tài chính của họ. Ngoài ra, TP.HCM còn nhận được hạng nhất về sự hài lòng tổng thể trong công việc…
Ngược lại, TP.HCM bị đánh giá thấp ở một số hạng mục như xếp thứ 52 trên tổng số 57 TP được đánh giá về chất lượng sống đô thị và đứng 56 về giao thông. Nhưng nhìn chung về tổng thể, TP.HCM lại có thang điểm mức độ hạnh phúc (Happiness Level) với mức đánh giá đạt 89% – cao nhất trong 7 TP châu Á có mặt trong bảng xếp hạng. Theo sau là Kuala Lumpur, Bangkok và Hồng Kông. Có 77% người nước ngoài cho biết họ dễ dàng kết bạn mới ở đây; 74% hài lòng so với cuộc sống xã hội. Có đến 93% đánh giá người bản địa thân thiện với người nước ngoài. Dù 80% thừa nhận khó học được tiếng Việt nhưng 77% nói vẫn sống được dễ dàng mà không cần biết ngôn ngữ bản địa…
Tìm thấy cơ hội gắn bó lâu dài
Là người làm việc và gắn bó với nhiều TP lớn trong bảng khảo sát này, đồng thời là chuyên gia tư vấn về chiến lược nhân sự cho nhiều tập đoàn, ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng các công ty nước ngoài đang chuyển văn phòng khu vực về Việt Nam, thay vì trước đây là Hồng Kông và Singapore. Điều này phản ánh một điều cực kỳ thú vị, đó là chính sách đầu tư, thị trường, nhân sự, đãi ngộ… cơ hội của Việt Nam đã đạt tầm khu vực. “Không phải tự nhiên mà các tập đoàn khi vào châu Á cứ chọn Singapore để đặt văn phòng đại diện khu vực, trong khi toàn bộ hoạt động kinh doanh của họ lại diễn ra tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Myanmar. Qua làm việc với các đối tác, mấy năm gần đây tôi nhận thấy các nhà đầu tư tìm thấy sự hấp dẫn nào đó tại Việt Nam để quyết định gắn bó lâu dài. Thế nên, nhiều quản lý cấp cao cũng đến sinh sống và làm việc ở Việt Nam”, ông Robert Trần nói.
Đầu tư thêm cho hạ tầng
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng TP.HCM cũng phải nghiên cứu, đầu tư thêm hạ tầng (kể cả hành lang pháp lý) liên quan đến việc phát triển các ngành công nghiệp mới như Fintech, Blockchain…
“TP.HCM phải tiếp tục ưu tiên và đẩy mạnh nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, logistics để kết nối với các địa phương xung quanh. Ở những TP lớn trên thế giới, việc phát triển hạ tầng giao thông đã được đầu tư rất lớn và đi trước vì đây là trụ cột của kinh tế, xã hội. Chỉ có đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, cảng, logistics thì TP.HCM mới tiếp tục giữ vững là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và tạo động lực để kinh tế phát triển mạnh hơn”, ông Nghĩa nói.
Nếu ở cấp chuyên gia, các nhân sự cao cấp đa số tới Việt Nam theo sự phân công của các tập đoàn, nên đôi khi quyết định đi hay ở họ không được chủ động chọn lựa mà tùy thuộc vào ý chí của các tập đoàn. Còn đa số người nước ngoài đến Việt Nam để dạy tiếng Anh, làm việc như nhân viên bình thường cũng rất nhiều. “Để thu hút nhà đầu tư ở lại quốc đảo và giảm xu hướng di chuyển văn phòng, chính phủ Singapore đang hướng đến chính sách là tạm gọi là “đất lành chim đậu” cho người nước ngoài và kể cả với người Singapore để ngăn chặn chảy máu chất xám. Như vậy, ngoài các yếu tố phải có việc làm tốt, chất lượng cuộc sống… Singapore phải đáp ứng thêm nhiều yếu tố khác nằm ngoài tiêu chí khảo sát này. Và đó chính là điều thách thức cho các nước lân cận đang muốn thu hút người tài và kể cả lôi kéo các tập đoàn đến lập văn phòng…”, ông Robert Trần phân tích.
Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM cần phải cải thiện hơn nữa về môi trường sống. Hung Nguyen, một kỹ sư chuyên ngành công nghệ máy tính, sau 10 năm sang Mỹ học, làm việc và quay về nước vào năm 2018, hiện anh đang làm việc tại công ty chuyên gia công thiết kế game cho một số khách hàng ở Mỹ, nhận xét: Chi phí rẻ đang là lợi thế cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam nhưng thực sự nhu cầu ăn uống chỉ bấy nhiêu. Nên lâu dần sinh hoạt phí thấp chưa hẳn là điều tạo hấp lực cho người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, mà là chất lượng sống. Điều đáng buồn là theo khảo sát này, trong 57 TP được khảo sát, TP.HCM xếp vị trí gần như chót bảng là 52 về chất lượng cuộc sống, rất thấp so với mặt bằng nhu cầu sống nói chung. Đó là điểm yếu cũng là cảnh báo cho TP.HCM nếu không cải thiện.
“Ngay bản thân tôi, học xong cao học, nói rất thật lòng là về làm ở TP.HCM sướng hơn, lương không quá thấp so với ở Mỹ, bù lại chi phí tiền thuê nhà, sinh hoạt phí nói chung rất thấp. Đây lại là quê hương, gần người thân, bạn bè… Nhưng đôi khi những vấn đề về môi trường, giao thông lại làm tăng chi phí thời gian, cơ hội. Cải thiện yếu tố này, TP.HCM mới có sự hấp dẫn bền lâu được, bằng không, vẫn là thách thức lớn về lâu dài”, Hung Nguyen chia sẻ thêm.
Còn theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, kết quả khảo sát nêu trên đã phản ánh đúng thực tế của TP.HCM. Từ trước đến nay, người Việt Nam nói chung và người dân tại TP.HCM vốn luôn được đánh giá là thân thiện, cởi mở, sẵn sàng kết bạn hay hỗ trợ với tất cả mọi người, không phân biệt trong hay ngoài nước. Hoặc với chi phí, mức sống so với những TP lớn khác trên thế giới hay thu nhập của người nước ngoài đang làm việc tại đây thì còn thấp. Nhưng hạ tầng giao thông của TP.HCM còn kém, chưa phát triển tương xứng với kinh tế của TP đã được nhắc đến liên tục thời gian qua. Điều này thể hiện qua việc kẹt xe, ngập nước, tiếng ồn… gây khó khăn cho đời sống của người dân. Thậm chí trong một báo cáo tư vấn về phát triển của TP.HCM của tổ chức nước ngoài đưa ra năm 2020 cũng đã cảnh báo về vấn đề này.
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO