Doanh nghiệp bất động sản ‘cầu cứu’ sớm sửa luật
Doanh nghiệp bất động sản ‘cầu cứu’ sớm sửa luật
Ngày 25.11, tại hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay” do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) tổ chức, đa số ý kiến đều hướng đến kiến nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ sớm sửa các luật gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp.
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Luật kinh tế, Trường đại học Luật Hà Nội, hiện nay 3 đạo luật liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản là luật Đất đai, luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản nhưng đang có những chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản.
Các quy định của pháp luật chồng chéo đang làm khó doanh nghiệp ĐÌNH SƠN |
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, “hàng rào barie” lớn nhất hiện tại có lẽ là quy định phải có 100% đất ở hoặc “dính” đất ở mới được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại. Hiện có khoảng 400 dự án trên toàn quốc đang bị ách tắc bởi quy định này. Chính vì vậy, doanh nghiệp rất mong mỏi sửa đổi vướng mắc về thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp. Đây được xem là “nút thắt” lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thị trường bất động sản, từ đó đẩy giá nhà tăng cao.
PGS-TS Trần Kim Chung, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, chính sách trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn 2022 – 2023 và đến 2025, để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản, cần hướng đến các chủ thể khác nhau. Trong đó chú trọng chính sách nâng đỡ những doanh nghiệp mạnh, những địa bàn thuận lợi. Gỡ vướng mắc pháp lý, tập trung phê duyệt dự án mới. Giảm thuế, phí, không phạt chậm nộp thuế phí và các nghĩa vụ tài chính liên quan đến bất động sản.
Đồng thời cần có chính sách cứu những doanh nghiệp khó khăn, những địa bàn khó khăn. Đơn cử như đề xuất xem xét giảm 2 điểm % lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn phòng tránh Covid-19.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua phát triển cơ sở hạ tầng. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Thị trường và các doanh nghiệp đang trông chờ những cơ chế thông thoáng để vực dậy sau một thời gian dài “ngủ đông” bởi đại dịch Covid-19 ĐÌNH SƠN |
TS Vũ Đình Ánh đề xuất giải pháp khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản phục hồi sau dịch bệnh. Theo đó, quan trọng nhất là củng cố và nâng cao tiềm lực tài chính của doanh nghiệp bất động sản thông qua phục hồi quy mô doanh thu và lợi nhuận cũng như tăng quy mô vốn chủ sở hữu.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, cơ chế và chính sách đối với thị trường bất động sản trong thời gian qua còn những hạn chế nhất định. Nhiều vấn đề mới được đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp phù hợp hơn như pháp lý cho các loại hình bất động sản du lịch, bất động sản văn phòng kết hợp nhà ở, trung tâm thương mại… Các quy trình, thủ tục pháp lý về tiếp cận đất đai, vận hành dự án, về cơ chế bảo đảm phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ của rủi ro, tranh chấp… Hiện Bộ Xây dựng đang trình để “vá” các lỗi này, từ đó giúp thị trường nhanh chóng hồi phục sau dịch và giúp người dân mua được nhà đất với mức giá rẻ hơn.
ĐÌNH SƠN
TNO