TP.HCM kiến nghị trung ương hỗ trợ 21.734 tỉ đồng làm 6 dự án trọng điểm
TP.HCM kiến nghị trung ương hỗ trợ 21.734 tỉ đồng làm 6 dự án trọng điểm
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, dự kiến học sinh trở lại học trực tiếp từ ngày 10-12 tới. Việc trở lại trường học trực tiếp sẽ bắt đầu với khối 9 và 12 và mở dần các khối khác.
UBND TP Thủ Đức và các quận huyện xây dựng kế hoạch mở cửa trường học, đón học sinh đi học trở lại theo cấp độ dịch (xem thêm Tuổi Trẻ ngày 20-11).
Về cách xử lý F0 khi học sinh trở lại học, một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay sẽ tham khảo ý kiến của ngành y tế để đề xuất biện pháp phù hợp. Các trường sẽ được tập huấn về phòng chống dịch trong tình hình mới, cách xử lý khi phát hiện F0.
Giáo viên chưa tiêm vắc xin: có người dạy thay
Số học sinh từ 12 – 17 tuổi ở TP.HCM đã được tiêm vắc xin mũi 1 là 574.703 em, đạt 93,93%. Hiện nay, một số quận huyện đang triển khai tiêm bổ sung cho những học sinh chưa tiêm mũi 1. Thời gian tiêm vắc xin đợt 2 cho trẻ 12 – 17 tuổi dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 28-11.
Trong khi đó, số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập hiện chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin là 938 người. Sở GD-ĐT TP cho biết lý do các giáo viên chưa tiêm vắc xin là vì đang trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản; đang cho con bú; ở tỉnh chưa triển khai tiêm vắc xin; sức khỏe không đảm bảo để tiêm hoặc vừa khỏi bệnh nên chưa đủ thời gian được tiêm vắc xin…
Sở dự kiến sẽ giao cho thủ trưởng các đơn vị chủ động sắp xếp các giáo viên trong cùng tổ bộ môn dạy thay hoặc tổ chức dạy trực tuyến một số tiết do giáo viên chưa tiêm vắc xin phụ trách.
Cũng theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tỉ lệ học sinh tham gia học trực tuyến của khối THCS là 97,9%, THPT là 99,8%. Khi học sinh đi học lại, hiệu trưởng các trường sẽ chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn điều chỉnh kế hoạch dạy học, sắp xếp thời khóa biểu không gây quá tải cho người dạy, người học.
Bên cạnh đó, nhà trường sẽ phân công giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn giám sát, nắm bắt tình hình học sinh; tiến hành khảo sát, thống kê tỉ lệ học sinh qua quá trình học trực tuyến, phân loại từng đối tượng học sinh và chia nhóm phù hợp để tổ chức bồi dưỡng, ôn tập, củng cố các nội dung đã học.
Chờ kinh phí sửa chữa trường lớp
Đến ngày 16-11 có 797/945 trường học được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 ở TP.HCM bàn giao lại cho ngành GD-ĐT. Trong khi đó, nhiều trường trong số này hiện vẫn chờ kinh phí để sửa chữa.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, đợt vừa qua sở đã đi thực tế, rà soát hiện trạng tại các trường học đã được lực lượng phòng chống dịch bàn giao lại cho ngành GD-ĐT. Trong đó, có nhiều cơ sở trường học bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, đặc biệt ở các cơ sở được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, khu điều trị F0.
“Từ thực trạng trên, sở đã tổng hợp nhu cầu về sửa chữa, mua sắm thay thế tài sản bị hư hỏng, kinh phí phát sinh do chi trả tiền điện nước trong thời gian trường học được trưng dụng thực hiện công tác phòng chống dịch…
Dự toán tổng kinh phí sửa chữa, mua sắm cho 945 trường khoảng 120 tỉ đồng. Song song đó, sở cũng đề nghị các địa phương sắp xếp bàn giao các cơ sở giáo dục lại cho nhà trường trước ngày 25-11 để tiến hành khử khuẩn, tổng vệ sinh, sửa chữa…, đảm bảo điều kiện đón học sinh trở lại trường học tập theo kế hoạch” – một cán bộ Sở GD-ĐT TP, thông tin.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều hiệu trưởng cho biết khi nhận lại trường họ đã cho dọn dẹp, vệ sinh, khử khuẩn nhiều lần: “Còn việc sửa chữa thì chúng tôi vẫn đang chờ kinh phí của UBND TP mới có thể thực hiện”.
Ngoài ra, việc xây phòng học mới ở TP.HCM cũng đang bị chậm tiến độ. Một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay: “Toàn TP dự kiến đưa vào sử dụng 51 dự án trong năm 2021 với 801 phòng học mới. Tuy nhiên do dịch bệnh, các công trình xây dựng trường học phải tạm ngừng thi công. Do vậy, tính đến ngày 15-11-2021, TP chỉ đưa vào khai thác sử dụng được 42 dự án với 591 phòng học mới”.
Băn khoăn học sinh không học nơi cư trú
“Gia đình tôi rất mừng khi nghe thông tin học sinh lớp 9 và lớp 12 có thể sẽ đi học lại từ ngày 10-12. Đến thời điểm đó, các cháu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên cũng đỡ lo.
Thế nhưng tôi băn khoăn là rất nhiều học sinh TP.HCM không học trên địa bàn cư trú. Như con tôi cư trú ở quận 4 nhưng học ở quận 1. Nếu trường học ở vùng dịch cấp độ 1, 2 sẽ mở cửa thì học sinh ở vùng dịch cấp độ 3, 4 có được đến trường ở vùng dịch cấp độ 1, 2 không?
Các cấp quản lý sẽ xác định tiêu chuẩn nào để cho học sinh đến trường?” – bà Vũ Thị Kim Thoa, phụ huynh ở quận 4, thắc mắc.
Tương tự, hiệu trưởng một trường THPT công lập ở quận Tân Bình chia sẻ: “Đặc thù của các trường THCS, THPT là học sinh đến từ nhiều quận huyện khác nhau chứ không phải học sinh cư trú ở gần trường.
Vì vậy, quy định mở cửa trường nên có sự linh hoạt với điều kiện giáo viên, học sinh đã tiêm đủ hai mũi vắc xin thì được đến trường. Chứ nếu chỉ cho những học sinh cư trú ở vùng cấp độ 1, cấp độ 2 mới được đến trường thì các học sinh ở vùng cấp độ 3, 4 sẽ ra sao?”.
Đề nghị test nhanh cho học sinh vùng cấp độ 3, 4
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay các trường THCS, THPT tư thục ở địa bàn TP đang rất nóng lòng với việc mở cửa trường. “Mọi thứ chúng tôi đã chuẩn bị xong xuôi, chỉ chờ UBND TP cho phép là các thầy cô giáo mở cửa trường đón học sinh. Thế nhưng, học sinh của trường hiện cư trú khắp các quận huyện trên địa bàn TP và ở cả các tỉnh thành ngoài TP.
Nếu quy định chỉ cho học sinh ở vùng cấp độ 1, 2 đi học lại thì bắt buộc nhà trường phải tổ chức dạy trực tuyến cho những học sinh vùng cấp độ 3, 4. Điều này sẽ gây khó khăn cho ban giám hiệu trường trong việc sắp xếp giáo viên đứng lớp. Vì thế, tôi đề nghị nên cho học sinh ở vùng dịch thuộc cấp độ 3, 4 được test nhanh trước khi đi học. Nếu kết quả là âm tính thì các em được nhập trường học nội trú” – hiệu trưởng một trường phổ thông liên cấp ở TP Thủ Đức, TP.HCM đề nghị”.