24/11/2024

Quyết sách nào cũng dở

Quyết sách nào cũng dở

Vấn đề người tị nạn và di cư ở vùng giáp ranh giữa Belarus và biên giới ngoài của EU đã trở thành cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

 

 

Quyết sách nào cũng dở - ảnh 1
Người di cư tập trung trên biên giới Belarus giáp với Ba Lan REUTERS

Hiện tại, EU chỉ có 2 lựa chọn đối sách để giải quyết vấn đề này. Thứ nhất là gia tăng áp lực trực tiếp đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hoặc gián tiếp thông qua Nga, bởi Nga là đồng minh quan trọng nhất của Belarus và hiện là chỗ dựa duy nhất của ông Lukashenko. Thứ hai là tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với ông Lukashenko.

Vì quyết sách kiểu gì cũng đều dở nên chắc rồi EU phải suy tính xem quyết sách nào ít tồi tệ nhất. EU không công nhận ông Lukashenko là tổng thống hợp pháp và hợp hiến ở Belarus, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt chính quyền Belarus và cá nhân ông Lukashenko, nên nếu phải nhờ cậy chính ông này để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng, thì đâu có khác gì phải công nhận trên thực tế ông Lukashenko là tổng thống hợp hiến và hợp pháp của Belarus. Tất nhiên, như thế, EU cũng không thể tiếp tục trừng phạt ông Lukashenko và chính quyền Belarus. Như vậy đâu có khác gì giải quyết được cuộc khủng hoảng, nhưng với cái giá phải trả là thua hoàn toàn trước ông Lukashenko và phải thay đổi chính sách đối với Belarus.

Nếu cứ tiếp tục gia tăng áp lực trực tiếp tới ông Lukashenko hoặc gián tiếp thông qua Nga, thì sẽ đẩy người này vào đường cùng. Như thế, phản ứng và đối sách của ông Lukashenko rất khó lường đối với EU. Mặt khác, đối sách gây áp lực càng đẩy Belarus về phía Nga. Nếu thông qua Nga để ép ông Lukashenko, thì EU không thể tránh khỏi lệ thuộc Moscow. Vì thế, dù EU lựa chọn quyết sách nào thì Nga vẫn được lợi nhiều nhất.

 

PHẠM LỮ

TNO