Nga: Ngại tiêm chủng, tử vong cao
Nga: Ngại tiêm chủng, tử vong cao
Hôm 16-10, lần đầu tiên kể từ đầu đại dịch, Nga ghi nhận số ca tử vong vượt mốc 1.000 ca/ngày, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên hơn 222.000, đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Phát biểu trên kênh tin tức Rossiya-24 cùng ngày, Phó thủ tướng Nga Tatyana Golikova nói: “Tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng đến ngày hôm nay, biện pháp phòng ngừa chủ yếu giúp bảo vệ các cá nhân và giúp tránh kết cục chết chóc chính là tiêm chủng”.
Tiêm chủng: đi trước, về sau
Là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắc xin COVID-19 (Sputnik V) từ tháng 8-2020, nhưng hiện nay Nga đi sau nhiều nước về tỉ lệ dân số tiêm chủng.
Điều đáng nói là hiện nay Nga có đến 4 loại vắc xin COVID-19 nội địa được phê duyệt sử dụng ở nước này và “mọi công dân Nga đều có cơ hội được tiêm vắc xin Nga”, nhưng vẫn còn một bộ phận lớn người dân không chịu đi tiêm vắc xin. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới công tác chống dịch của xứ sở bạch dương.
Theo Hãng tin AFP, các cuộc thăm dò độc lập cho thấy hơn một nửa số người Nga không có kế hoạch đi tiêm vắc xin. Điện Kremlin chỉ ra chính tỉ lệ tiêm chủng thấp “không thể chấp nhận được” là nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao ở nước này.
Ngoài ra, tình trạng thiếu các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đã tạo cơ hội để virus lây lan không kiểm soát ở Nga. Đến lúc này Nga vẫn tránh tái áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc. Lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 6 tuần được áp dụng vào đầu năm 2020 từng ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế Nga.
Thay vào đó, hiện nay Nga đã giao quyền thực thi các biện pháp hạn chế phòng dịch cho chính quyền các khu vực. Đến nay, trong số 85 khu vực của Nga có một số khu vực đã hạn chế cho người dân tham gia các sự kiện công cộng quy mô lớn và hạn chế tụ tập tại các nhà hát, nhà hàng… Tuy nhiên, nhìn chung cuộc sống hằng ngày vẫn diễn ra như bình thường ở Matxcơva, St. Petersburg và nhiều thành phố khác của Nga.
Tại thủ đô Matxcơva, thị trưởng Sergey Sobyanin cho biết số ca nhiễm mới tăng 20 – 30% mỗi tuần và đây là “tốc độ gia tăng rất cao”. Hôm 16-10, Matxcơva công bố ghi nhận thêm 6.545 ca trong vòng 24 giờ.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko thừa nhận các cơ sở y tế ở nước này đang chịu áp lực ngày một tăng và cho biết nhà chức trách đã kêu gọi những nhân viên y tế nghỉ hưu đã tiêm vắc xin COVID-19 quay lại các bệnh viện làm việc.
Dùng biện pháp mạnh
Tuần trước, Chính phủ Nga cho biết khoảng 43 triệu người Nga, tương đương khoảng 30% trong tổng số gần 146 triệu dân của nước này, đã được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19. Tỉ lệ này thấp hơn hầu hết các nước châu Âu (nhiều nước đã đạt mức trên 70% dân số tiêm đủ liều), Mỹ (57%), Trung Quốc (hơn 70%)…
Nhà chức trách Nga đã tìm cách đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bằng cách xổ số trúng thưởng, tặng quà cùng nhiều hình thức khích lệ khác thời gian qua, nhưng sự hoài nghi về vắc xin COVID-19 ở Nga đã cản trở nỗ lực này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nhiệm vụ của chính quyền nước này là cân bằng giữa việc hạn chế virus lây lan với việc đảm bảo “nền kinh tế tiếp tục hoạt động”. Tuy nhiên, thế khó của Nga là một bộ phận lớn dân chúng còn e dè tiêm vắc xin COVID-19. Do đó, khó mà đảm bảo cân bằng được giữa việc cứu sinh mạng và sinh kế.
Người đứng đầu Cơ quan Giám sát, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor), bà Anna Popova cho biết có ít nhất 38 trong số 85 khu vực của Nga vừa qua đưa ra quy định bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 với một số nhóm công dân và nhân viên làm việc trong các lĩnh vực của nền kinh tế Nga, chẳng hạn như bán lẻ và khách sạn.
Một số quan chức Nga thậm chí đã đề xuất phạt tiền những người Nga từ chối tiêm chủng. Tuy nhiên, như hầu hết các quốc gia trên thế giới, đến nay Nga không có chính sách bắt buộc tiêm vắc xin trên diện rộng.
Câu chuyện của Nga càng cho thấy tầm quan trọng của tiêm chủng nếu muốn cứu cả mạng sống của người dân và nền kinh tế.
Vắc xin Nga hiệu quả ra sao?
Đến nay chưa có vắc xin COVID-19 nào trong số 4 loại nội địa mà Nga sử dụng (gồm Sputnik V, Sputnik Light, EpiVacCorona và CoviVac) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt. WHO cho biết quy trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp (EUL) vắc xin Sputnik V đang bị tạm dừng trong lúc chờ các thủ tục pháp lý và thiếu dữ liệu.
Theo Hãng tin Tass, các nghiên cứu gần đây của Ý cho thấy Sputnik V (đã được phê duyệt dùng ở 70 nước) đạt hiệu quả 82% phòng ngừa biến thể Delta. Trong khi đó Nga cho biết vắc xin Sputnik Light (loại tiêm 1 liều) “đã chứng minh hiệu quả 70%” trong phòng ngừa biến thể Delta sau 3 tháng tiêm.