Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm
Triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 12.10, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 5,9% vào năm nay, giảm nhẹ so với mức 6% được dự báo hồi tháng 7.
Cảng nước sâu Yangshan tại Thượng Hải (Trung Quốc). REUTERS |
Con số này sẽ chậm lại chỉ còn 4,9% trong năm 2022, theo AFP.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới trong đại dịch Covid-19 khiến giá cả tăng lên nhanh chóng đã làm triển vọng phục hồi của các nền kinh tế trở nên ảm đạm. Các nước phát triển là những quốc gia bị sự tắc nghẽn nguồn cung ảnh hưởng rõ rệt nhất.
Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, thấp hơn mức 7% đưa ra trong báo cáo tháng 7 của IMF. Tương tự, dự báo tăng trưởng của Nhật Bản là 2,4% và Đức là 3,1%, lần lượt giảm xuống từ mức 2,8% và 3,6%. Nhìn chung, tăng trưởng của nước phát triển được dự báo giảm 0,4% xuống còn 5,2%. Tuy vậy, các nước tiên tiến được dự báo sẽ quay lại mức tăng trưởng trước đại dịch trong năm 2022 và vượt mức đó 0,9% vào năm 2024.
IMF dự báo các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay, cao hơn 0,1% so với báo cáo hồi tháng 7 do nhà sản xuất được lợi từ việc giá hàng hóa tăng. Mức tăng trưởng năm 2021 của kinh tế Trung Quốc được dự đoán là 8%, giảm 0,1% so với trước đó.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo hậu quả của việc phân chia vắc xin không đồng đều trên thế giới. Các nước đang phát triển có thu nhập thấp được dự đoán chỉ tăng trưởng 3% trong năm nay, giảm 0,9% so với dự báo hồi tháng 7. Ngoại trừ Trung Quốc, sản lượng trong năm 2024 của các nước đang phát triển sẽ thấp hơn 5,5% so với dự báo đưa ra trước đại dịch.
ĐÔNG A
TNO