01/11/2024

Nhiều nước mở cửa biên giới quốc tế

Nhiều nước mở cửa biên giới quốc tế

Tín hiệu lạc quan đang đến với ngành du lịch và nền kinh tế thế giới trong những tháng cuối năm, khi ngày càng nhiều nước công bố kế hoạch mở cửa biên giới quốc tế.

 

Nhiều nước mở cửa biên giới quốc tế - Ảnh 1.

Người đi bộ trên bãi biển ở Badung, Bali (Indonesia) ngày 9-9 sau khi Indonesia nới lỏng các lệnh hạn chế chống dịch COVID-19 – Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, vẫn còn những khác biệt trong quy định của các nước về việc có cách ly du khách hay không, cách ly bao nhiêu ngày, công nhận những loại vắc xin COVID-19 nào và công nhận người đã nhiễm COVID-19 khỏi bệnh ra sao.

Chào đón người đã tiêm

Hôm 7-10, Singapore cho biết đang kết nối du lịch trở lại với Mỹ dành cho những hành khách đã tiêm vắc xin đầy đủ (14 ngày sau mũi thứ hai với vắc xin tiêm 2 mũi) và hy vọng sẽ đạt thỏa thuận vào trước cuối năm nay. Không chỉ Singapore, việc mở cửa biên giới bắt đầu trong mùa hè vừa qua ở châu Âu và sau đó lan sang Bắc Mỹ.

Từ ngày 7-9, Canada mở cửa biên giới cho mọi du khách đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ và họ không phải cách ly 14 ngày. Từ ngày 30-10, sau khi nhập cảnh và để lên các chuyến bay, xe lửa hay tàu thủy nội địa ở Canada, hành khách phải có chứng nhận đã tiêm vắc xin đầy đủ. Ngoại lệ chỉ dành cho người có lý do y tế hoặc trẻ em dưới 12 tuổi.

Đầu tháng 11 tới, Mỹ cũng sẽ đón du khách đã tiêm đủ vắc xin đến bằng đường hàng không từ hầu hết các nước châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil…

Ngoài điểm giống nhau là ưu tiên đón du khách đã tiêm vắc xin, quy định mở cửa biên giới với du khách quốc tế của mỗi nước có nhiều sự khác biệt về chi tiết. Được quan tâm nhiều nhất là yêu cầu về cách ly, một trở ngại lớn với doanh nhân và những người không có quỹ thời gian đi lại dài ngày.

Dễ chịu nhất là Anh. Quốc gia này miễn cách ly bắt buộc với hầu hết các nước. Theo Đài BBC, quy định cách ly 10 ngày tại các khách sạn được chính quyền Anh công nhận chỉ áp dụng với 7 nước là Panama, Colombia, Venezuela, Peru, Ecuador, Haiti và Dominican.

Một nguồn tin của chính phủ cho biết Anh dự kiến bỏ yêu cầu phải làm xét nghiệm PCR đắt đỏ sau khi nhập cảnh, thay bằng xét nghiệm nhanh rẻ hơn. Hiện nay, du khách đến Anh phải làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ hai sau khi nhập cảnh và ai chưa tiêm vắc xin đầy đủ phải làm thêm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 8.

Bali, thiên đường du lịch của Indonesia, sẽ bắt đầu đón khách du lịch từ một số quốc gia được lựa chọn từ ngày 14-10. Theo đó, tất cả du khách phải có bằng chứng đã đặt phòng khách sạn để cách ly trong 8 ngày và tự trả chi phí.

Cần thống nhất công nhận vắc xin

Khi các nước chào đón du khách đã tiêm vắc xin, câu hỏi đặt ra là loại vắc xin nào được công nhận? Mỹ phê duyệt ba loại vắc xin của các hãng Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Nhà Trắng cho biết họ để cho cơ quan chuyên môn là Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ quyết định chấp nhận các loại vắc xin khác khi mở cửa biên giới quốc tế.

Điều này khiến cho hàng triệu người đã tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đặt câu hỏi liệu họ có được xem là đã tiêm vắc xin nếu muốn đến Mỹ hay không? Đó là chưa nói riêng vắc xin AstraZeneca đã có nhiều xuất xứ như Úc, Ấn Độ, Thái Lan… và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang phê duyệt vắc xin AstraZeneca theo từng quốc gia sản xuất.

Hội đồng Du lịch lữ hành thế giới đã kêu gọi Mỹ chấp nhận vắc xin AstraZeneca để giúp khôi phục ngành du lịch quốc tế vì đây là vắc xin được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, tại 176 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nói về kế hoạch công nhận các loại vắc xin COVID-19, ông Zakaria Mohd Nani – trưởng đơn vị đặc biệt về COVID-19, Bộ Du lịch, nghệ thuật và văn hóa của Malaysia – chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Nếu mở cửa đón du khách quốc tế, nhiều khả năng Malaysia sẽ chấp nhận các loại vắc xin đã được WHO phê duyệt”.

Theo ông Mohd Nani, Bộ Du lịch Malaysia nhận định có thể tháng 12 tới là thời điểm thích hợp để đón du khách quốc tế, ưu tiên các thị trường có mức chi tiêu bình quân đầu người và thời gian lưu trú trung bình cao.

Việt Nam sắp công nhận “hộ chiếu vắc xin” các nước

Tại họp báo thường kỳ ngày 7-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết một số nước đối tác đã đề nghị Việt Nam công nhận giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

“Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với các đối tác và bộ ngành liên quan tại Việt Nam, từ đó đề xuất bộ tiêu chí về sử dụng hộ chiếu vắc xin và đã được lãnh đạo Chính phủ đồng ý” – bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, Việt Nam sẽ chấp nhận các loại vắc xin đã được WHO, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, Cơ quan Dược phẩm châu Âu và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng khẩn cấp.

Tổng cục Du lịch cho biết Việt Nam dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn cho du khách quốc tế tháng 6-2022.

HỒNG VÂN
TTO