Sau khi bị xoá sổ, sốt rét nguy cơ tái xuất hiện tại Trung Quốc
Sau khi bị xoá sổ, sốt rét nguy cơ tái xuất hiện tại Trung Quốc
Sau khi 70 năm miệt mài chống sốt rét và đạt mục tiêu xoá sổ bệnh này, Trung Quốc có nguy cơ phải chứng kiến sốt rét quay trở lại do muỗi từ nước ngoài tràn sang.
Hồi tháng 6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chứng nhận Trung Quốc là nước không còn sốt rét. Sau 70 năm miệt mài nỗ lực, Trung Quốc cuối cùng đạt mục tiêu này, gia nhập nhóm 40 quốc gia và vùng lãnh thổ được chứng nhận đã xóa sổ sốt rét.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo loại bệnh do ký sinh trùng từ muỗi gây ra có thể tái bùng phát nếu các dự án kiểm soát bị ngừng lại. Tờ South China Morning Post ngày 23.9 dẫn lời ông Tào Tuấn, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu bệnh ký sinh trùng Giang Tô (Trung Quốc), cảnh báo các ca bệnh sốt rét sẽ tăng mạnh trở lại ngay khi các dự án kiểm soát ngừng lại, điều đã xảy ra với các nước châu Phi cũng như các nước đã phát triển.
Theo giới chuyên gia, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc) là nơi xuất hiện các chủng ký sinh trùng gây sốt rét có khả năng kháng thuốc.
Ông Scott Filler, người đứng đầu chương trình sốt rét của Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét cho rằng cách tốt nhất để xóa sổ các chủng ký sinh trùng kháng thuốc này là tiệt trừ toàn bộ các loài ký sinh trùng gây bệnh này. Tuy nhiên, ông thừa nhận để tiệt trừ toàn bộ các mầm bệnh sốt rét từ biên giới sang là điều phức tạp.
Giúp đỡ cuộc chiến chống sốt rét toàn cầu cũng là lợi ích của Trung Quốc khi nước này nhập khẩu mỗi năm khoảng 3.000 ca bệnh.
“Biên giới được kiểm soát chặt chẽ trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhưng khó có thể ngăn chặn muỗi xâm nhập qua biên giới, điều đã trở thành thách thức lớn đối với Trung Quốc. Cũng có nhiều trường hợp mắc bệnh sốt rét du nhập từ châu Phi. Với mối đe dọa này, sốt rét có khả năng quay trở lại”, ông Cao cảnh báo.
Theo vị chuyên gia, cách duy nhất để ngăn chặn bệnh sốt rét bùng phát trở lại ở Trung Quốc là hợp tác với WHO và Quỹ Toàn cầu để tăng cường kiểm soát bệnh, không chỉ ở Tiểu vùng Mê Kông mở rộng mà còn ở khu vực Trung Phi.
HẠ THÁI
TNO