27/11/2024

EU tìm cách tăng cường triển khai hải quân ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

EU tìm cách tăng cường triển khai hải quân ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Liên minh châu Âu (EU) đề ra hàng loạt hành động cụ thể với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có những cam kết liên quan tới thương mại và an ninh với các quốc gia Đông Nam Á.

 

EU tìm cách tăng cường triển khai hải quân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Tàu hộ vệ Prairial của hải quân Pháp tại Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa vào tháng 3-2021 – Ảnh: ĐSQ Pháp

Hôm nay 17-9, Ủy ban châu Âu và đại diện ngoại giao cấp cao đã thông qua thông báo chung chiến lược của EU về hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Thông báo chung này bao gồm các hành động cụ thể để củng cố sự gắn kết chiến lược với khu vực, như Hội đồng châu Âu giao nhiệm vụ vào ngày 19-4-2021.

Bản tuyên bố này được xem là quan điểm, chiến lược chung của EU đối với hợp tác trong khu vực, nhấn mạnh sự cam kết của châu Âu với các đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong thông cáo chiều 17-9, Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (European External Action Service) cho biết EU sẽ tăng cường sự gắn kết của mình với các đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để ứng phó với các thế lực đang nổi lên ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.

“Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác đa phương, bao gồm cùng ASEAN, giải quyết các thách thức toàn cầu, từ đại dịch COVID-19 đến khí hậu, từ quản trị đại dương đến kỹ thuật số”, EEAS viết.

Phía EU cũng nhấn mạnh sự tham gia của họ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ mang tính nguyên tắc và lâu dài, thúc đẩy hợp tác đa phương bao trùm và hiệu quả dựa trên một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, được chia sẻ các giá trị và nguyên tắc, bao gồm cam kết tôn trọng dân chủ, nhân quyền và nguyên tắc luật pháp.

Trong thông báo, EU vạch ra những hành động cụ thể trong việc thực hiện chiến lược này, trong đó bao gồm những hợp tác với Đông Nam Á, ASEAN.

Về thương mại, EU khẳng định sẽ thúc đẩy hoàn thành đàm phán thương mại của EU với Úc, Indonesia và New Zealand, đồng thời nối lại đàm phán thương mại và bắt đầu đàm phán đầu tư với Ấn Độ.

EU cũng sẽ đánh giá khả năng nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Malaysia, Philippines và Thái Lan, và đàm phán một hiệp định thương mại giữa các khu vực với ASEAN.

Tương tự, phía châu Âu cũng nỗ lực kết thúc các Hiệp định đối tác và hợp tác (PCA) với Malaysia và Thái Lan, và bắt đầu các cuộc đàm phán PCA với Maldives, cũng như thực hiện đầy đủ Thỏa thuận đối tác mới của EU với các quốc gia châu Phi, Caribê và Thái Bình Dương (ACP).

Về hợp tác trên biển, EU sẽ tăng cường quản trị đại dương trong khu vực, bao gồm cả việc tăng cường hỗ trợ của EU đối với hệ thống quản lý và kiểm soát nghề cá của các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chống việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp, và thực hiện các thỏa thuận hợp tác đánh bắt thủy sản bền vững.

Đáng chú ý, EU cũng tuyên bố sẽ tìm kiếm các cách thức để đảm bảo các nước thành viên EU tăng cường triển khai hải quân nhằm giúp bảo vệ các tuyến đường biển liên lạc và tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời nâng cao năng lực của các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong việc đảm bảo an ninh hàng hải.

Trong năm 2021, các nước thành viên EU đã tăng cường sự hiện diện đáng kể ở Biển Đông và khu vực nói chung.

 

NHẬT ĐĂNG
TTO