Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Học sinh không học tiếng Anh tích hợp sẽ bố trí qua lớp thường
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Học sinh không học tiếng Anh tích hợp sẽ bố trí qua lớp thường
Tối 15-9, trước việc học sinh đang học chương trình tiếng Anh tích hợp muốn xin qua lớp thường nhưng lo lắng nhà trường không giải quyết, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – khẳng định sẽ giải quyết tất cả nguyện vọng của học sinh.
Phụ huynh Phạm Thu Hương – có con học lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (Q.12, TP.HCM) – cho biết chị và một số phụ huynh trong lớp con chị mong muốn được dừng chương trình tiếng Anh tích hợp khi chương trình này thực hiện trực tuyến.
Xin chuyển qua lớp thường
“Tôi cho rằng tiếng Anh không hiệu quả khi học online nên muốn khi con học trực tiếp được sẽ học. Trong trường hợp khác chương trình phải giảm 50% học phí. Nếu không, tôi sẽ chuyển con qua lớp thường chứ không học tích hợp”, phụ huynh Thu Hương nói.
Tương tự, một số phụ huynh có con học chương trình này ở một trường tiểu học tại quận Tân Phú, TP.HCM cũng gửi kiến nghị đến Tuổi Trẻ Online. “Nếu Công ty Cổ phần quản lý Giáo dục và Đầu tư EMG (EMG) dạy học online, chúng tôi kiến nghị chương trình tăng giờ học để đảm bảo chất lượng hoặc chia nhỏ lớp học để học sinh học tốt hơn hoặc giảm học phí. Sau dịch có kế hoạch bồi dưỡng thêm cho học sinh. Nếu không, chúng tôi có nguyện vọng chuyển cho con mình qua lớp thường” – một phụ huynh lên tiếng.
Một số phụ huynh có con học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều quận Tân Bình, TP.HCM cũng đề nghị EMG – đơn vị tổ chức triển khai chương trình – tổ chức buổi đối thoại trực tiếp với phụ huynh nhằm xem xét yêu cầu điều chỉnh giảm học phí, điều chỉnh thời hạn đóng học phí…
Ngoài ra, các phụ huynh cũng lo lắng nếu không cho con theo học chương trình này nữa thì nhà trường sẽ không giải quyết cho chuyển lớp. Vì có thông tin nhà trường nói chỉ chuyển lớp cho những học sinh đúng tuyến còn những học sinh trái tuyến thì không được chuyển lớp. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng lo lắng khi một số phụ huynh rút khỏi lớp học sẽ kông đủ sĩ số, nhà trường sẽ giải tán lớp tích hợp hiện nay của các con. .
Tương tự, một nhóm phụ huynh tại một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh cũng lo lắng về việc các con mình không thể chuyển lớp khi không còn nguyện vọng học lớp tích hợp nữa.
Sẽ giải quyết các nguyện vọng
Tối 15-9, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ Online về việc học sinh đang học chương trình tiếng Anh tích hợp muốn xin qua lớp thường nhưng lo lắng nhà trường không giải quyết, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM – khẳng định sẽ giải quyết tất cả nguyện vọng của học sinh đang học lớp tích hợp chuyển qua lớp thường.
“Sở rất chia sẻ với phụ huynh đang gặp khó khăn nên đã chỉ đạo các trường làm việc trực tiếp với từng phụ huynh về nguyện vọng theo học chương trình tích hợp. Phụ huynh nào không có nhu cầu cho con theo học chương trình này nữa nhà trường phải bố trí học sinh theo học chương trình phổ thông hiện hành và vẫn đảm bảo được chất lượng giảng dạy như mọi lớp học khác”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết hiện nay quy định sĩ số tối đa đối với lớp tích hợp là 35 học sinh/lớp nhưng không có quy định tối thiểu. Trường hợp phụ huynh không có nhu cầu tiếp tục tham gia chương trình tiếng Anh tích hợp, xin rút tên khỏi danh sách lớp nào thì sẽ khiến sĩ số học sinh của lớp đó giảm xuống.
“Trong giới hạn từ 25-35 học sinh/lớp, chương trình tiếng Anh tích hợp vẫn triển khai bình thường. Tuy nhiên, nếu sĩ số lớp học giảm xuống dưới 20 học sinh, EMG sẽ báo cáo về Sở để cơ quan quản lý làm việc với các bên liên quan, tìm giải pháp tháo gỡ cụ thể như tiếp tục duy trì hay không duy trì lớp tích hợp, ghép lớp…” – ông Nguyễn Văn Hiếu nói thêm.
Về kiến nghị dừng chương trình tiếng Anh tích hợp của phụ huynh cho đến khi học sinh có thể học trực tiếp, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết chương trình tiếng Anh tích hợp được triển khai theo Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” do UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2014.
Chương trình được tiến hành dạy song hành với chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT. Hai chương trình này bổ trợ lẫn nhau, nhất là những nội dung trùng lắp giữa chương trình phổ thông hiện hành và chương trình tiếng Anh tích hợp (chủ yếu ở các môn Toán và Khoa học) sẽ được dạy bằng tiếng Anh nên đề nghị của phụ huynh về việc tạm dừng chương trình, khi nào học sinh đến trường học trực tiếp mới tiếp tục giảng dạy là không phù hợp.
Đối với những học sinh hiện không muốn học online nhưng có nguyện vọng theo học chương trình sau đó, ông Hiếu cho biết điều này tùy thuộc khả năng của học sinh về đáp ứng đủ yêu cầu kiến thức của chương trình. “Theo nguyện vọng của gia đình, nếu học sinh kiểm tra đạt yêu cầu của chương trình đều có khả năng được theo học trở lại chương trình này” – ông Hiếu thông tin thêm.