Cạn dòng tiền, nhiều doanh nghiệp chỉ ‘sống được dưới 1 tháng’
Cạn dòng tiền, nhiều doanh nghiệp chỉ ‘sống được dưới 1 tháng’
Dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ còn dòng tiền để duy trì “ít hơn 1 tháng”.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa công bố báo cáo khảo sát về tình hình doanh nghiệp & người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19, được thực hiện với gần 70.000 người lao động và hơn 21.500 doanh nghiệp/hộ kinh doanh.
Tình hình sức khỏe doanh nghiệp được chỉ ra qua khảo sát khi có gần 32,5% doanh nghiệp là diện “tự nguyện ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chờ hết đợt dịch bùng phát”, gần 2,5% doanh nghiệp “buộc phải đóng cửa do có người bị mắc COVID-19” và hơn 6% doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động khi các địa phương áp dụng chỉ thị 15, chỉ thị 16/16+.
Tác động của dịch COVID-19 và các biện pháp phòng, chống dịch khiến doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước, tyỉ lệ này chiếm tới 35,4%. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn, vì các doanh nghiệp không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các đơn hàng.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và chỉ còn dòng tiền để duy trì “ít hơn 1 tháng” chiếm khá cao, gần 40% và gấp 2,5 lần với các doanh nghiệp đang “duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Hộ kinh doanh là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất khi có tới 45% chỉ còn dòng tiền để duy trì trong 1 tháng, tiếp đến là doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 40% và doanh nghiệp nhà nước chiếm 30%…
Có khoảng 46% doanh nghiệp có thể kéo dài duy trì hoạt động dưới 3 tháng, cho thấy việc doanh nghiệp có tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không.
Vì thế, Ban IV cho rằng thời điểm tháng 9-2021 có thể xem là thời điểm mang tính chất “quyết định” để “cứu nguy” cho hai nhóm doanh nghiệp nêu trên nếu chính quyền có thể hỗ trợ doanh nghiệp vận hành trở lại hoạt động hoặc tự thân các doanh nghiệp tổ chức được sản xuất, kinh doanh.
Để giải quyết khó khăn do dòng tiền, doanh nghiệp chọn giải pháp giảm chi phí hoạt động như cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại sản xuất hoặc đi vay từ ngân hàng và các tổ chức khác.
Tuy vậy, doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn như trả tiền lương, lãi vay ngân hàng, trả tiền thuê đất, kho bãi, nhà xưởng, thuê văn phòng, cũng như phải đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, trả nợ gốc cho ngân hàng, thanh toán chi phí đầu vào như nguyên liệu, điện, nước…
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ trực tiếp như thuế, phí, lệ phí, lãi vay ngân hàng…; đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt để thực hiện các đơn hàng; có biện pháp giãn cách phù hợp, chủ động xét nghiệm, đảm bảo thông suốt đi lại…
Lao động mất việc chiếm tỉ lệ cao
Có tới hơn 62% số người lao động được hỏi đang mất việc làm và 38% đang có việc. Trong đó, nhóm độ tuổi mất việc từ 31 đến 45 tuổi chiếm nhiều nhất với gần 70%. Các ngành mà người lao động bị mất việc làm cao nhất là xây dựng, dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp và công nghiệp.
Mặc dù chịu cảnh mất việc, nhưng người lao động phải chịu nhiều gánh nặng chi phí như mua sắm thêm các thiết bị cho con học trực tuyến, chi phí tiền điện, tiền Internet; chi phí nuôi dưỡng người thân do cách ly; chi phí lương thực, thực phẩm, điện, nước, tiền thuê nhà, tiền trả lãi vay ngân hàng…
Có tới hơn 50% số người lao động bị mất việc từ 1-3 tháng, trong khi đó nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới 1 tháng. Hơn 37% người lao động đã mất việc chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 3 tháng, 8,6% người lao động đã mất việc đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 6 tháng và chỉ 4,4% số lượng người lao động đã mất việc có nguồn tiền tích lũy đủ đảm bảo cho cuộc sống trên 6 tháng.