Báo động Covid-19 tồi tệ tại nhiều nơi
Báo động Covid-19 tồi tệ tại nhiều nơi
Đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh tại nhiều nước và khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn cả thời điểm chưa có vắc xin.
Mỹ gặp nhiều thách thức
Số ca nhiễm Covid-19 và nhập viện tại Mỹ đã tăng lên từ cuối tháng 6 khi biến thể Delta chiếm ưu thế so với các biến thể khác. Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ thông báo tính đến ngày 25.8, có hơn 100.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện, cao gấp 6 lần so với cách đây 9 tuần và cao hơn 2 lần so với cùng thời điểm vào năm ngoái.
Bác sĩ Paul Offit thuộc Ủy ban cố vấn vắc xin của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đánh giá tình hình hiện này là bi kịch, tồi tệ hơn tháng 8.2020 vì khi đó còn chưa có vắc xin trong khi bây giờ vắc xin thì có sẵn.
Giai đoạn mà số ca bệnh đang điều trị trong bệnh viện cao hơn 100.000 là từ cuối tháng 11.2020 đến đầu tháng 1.2021.
Trước diễn biến này, nhiều nơi đã siết chặt biện pháp phòng dịch trong khi một vài nơi phản đối các biện pháp này. Quận Baltimore ở bang Maryland ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi tỷ lệ nhiễm trong 7 ngày tăng 370% tính từ tháng 7. Thành phố Maui ở Hawaii siết chặt các hoạt động không cần thiết trong ít nhất 3 tuần, còn thành phố Chicago bang Illinois bắt buộc nhân viên chính quyền tiêm vắc xin.
Trái lại, Thống đốc Greg Abbott của bang Texas ra lệnh gia hạn việc cấm các cơ quan chính quyền tại bang bắt buộc tiêm vắc xin. Thống đốc Ron DeSantis của bang Florida tuyên bố những trường học ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang là vi phạm luật pháp bang.
Đáng chú ý, Florida và Texas lại được cho là có tỷ lệ nhập viện cao nhất. Theo tờ The Washington Post, Florida có 17.000 ca và Texas có 14.000 ca. Tại Florida, có bệnh viện phải từ chối nhận điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân ung thư vì người bệnh Covid-19 quá đông.
Dữ liệu liên bang cho thấy gần 77,3% tổng số giường trong khu chăm sóc đặc biệt tại Mỹ đang được sử dụng với 28% số đó là bệnh nhân Covid-19.
Hầu hết người nhập viện trong năm nay là những người chưa tiêm vắc xin. Đến ngày 25.8, có 51,7% tổng dân số Mỹ đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19. Tỷ lệ tiêm ít nhất một liều là 61% dân số.
Úc, Nga, Anh đều báo động
Số ca nhiễm mới được công bố tại Úc ngày 26.8 là 1.130 ca, mức kỷ lục từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Đây là lần thứ tư trong 6 ngày số ca nhiễm/ngày phá kỷ lục. Bang New South Wales chiếm đa số với 1.029 ca. Một số bệnh viện tại thành phố Sydney đang dựng thêm lều tạm bên ngoài để xét nghiệm. Số ca nhiễm gia tăng dù thành phố đang phong tỏa.
Hầu hết bệnh nhân điều trị đặc biệt tại New South Wales là những người chưa tiêm vắc xin. Đài ABC dẫn nghiên cứu mới ước tính số ca nhiễm mỗi ngày tại New South Wales sẽ tiếp tục tăng đến đỉnh vào đầu tháng 10 với 6.000 ca/ngày.
Chính quyền liên bang đang xúc tiến kế hoạch mở cửa khi tỷ lệ tiêm vắc xin đạt 70-80% nhưng một số bang cho rằng kế hoạch có thể bị trì hoãn do dịch bùng phát nhanh tại Sydney, theo Reuters. Tính đến ngày 26.8, 55,2% người từ 16 tuổi trở lên tại Úc đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Tỷ lệ được tiêm đầy đủ là 32,3%.
Tại Nga, số ca nhiễm trong 24 giờ được công bố ngày 26.8 là 19.630. Số ca tử vong là 820, mức kỷ lục từ đầu đại dịch. Đến nay, Nga có hơn 6,8 triệu ca nhiễm, trong đó 179.243 ca tử vong và gần 6,1 triệu ca bình phục. Các biện pháp khuyến khích người dân tiêm chủng ban đầu cho thấy dấu hiệu tích cực nhưng dần hết hiệu quả, theo AFP. Tính đến ngày 26.8, có hơn 35 triệu trong tổng số 146 triệu người tại Nga được tiêm đủ liều vắc xin (23,9%).
Tại Anh, tỷ lệ người nhiễm Covid-19 cũng đang tăng lên ở hầu hết khu vực, trừ London, Yorkshire và Humber, theo Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE). Dữ liệu ngày 26.8 cho thấy có 38.281 ca nhiễm mới, cao hơn so với con số 35.847 ca của một ngày trước đó. Tỷ lệ người từ 16 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc xin là 88,1% trong khi tỷ lệ người tiêm liều thứ hai là 77,7%.
VI TRÂN
TNO