Mỹ, châu Âu chạy đua giải quyết khủng hoảng tị nạn ở Afghanistan
Mỹ, châu Âu chạy đua giải quyết khủng hoảng tị nạn ở Afghanistan
Châu Âu, vẫn còn dư âm từ cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015, đã kêu gọi thế giới giúp đỡ người tị nạn từ Afghanistan để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo khác. Mỹ chi 500 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho người tị nạn Afghanistan.
G7 họp về tình hình Afghanistan
Các lãnh đạo châu Âu đã đồng loạt lên tiếng về vấn đề người tị nạn từ Afghanistan trước khi Liên minh châu Âu (EU) dự kiến có cuộc họp trong ngày 17-8, giờ địa phương, để thảo luận về vấn đề Afghanistan.
Anh, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên nhóm G7, dự kiến tổ chức cuộc họp các lãnh đạo nhóm để thảo luận biện pháp hỗ trợ người dân và ngăn khủng bố ở Afghanistan.
“Kể từ khi binh lính nước ngoài rút khỏi Afghanistan, chúng ta đã thấy Taliban chinh phạt với tốc độ nghẹt thở cả đất nước, từ tỉnh này đến tỉnh khác, thành phố này đến thành phố khác.
Đây là một diễn tiến cay đắng, kịch tính và kinh khủng, đặc biệt là đối với người dân Afghanistan” – Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh việc châu Âu cần phải thống nhất các đối phó với làn sóng tị nạn từ Afghanistan có thể tràn đến châu Âu qua các nước như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Ông Macron kêu gọi EU có “phản ứng mạnh mẽ, phối hợp và thống nhất để thiết lập quan hệ hợp tác với các nước quá cảnh và tiếp nhận tị nạn”.
“Chúng ta phải lường trước và bảo vệ mình trước các luồng di cư bất hợp pháp có thể gây nguy hiểm cho chúng ta và làm gia tăng tình trạng buôn bán bất hợp pháp” – tổng thống Pháp nói trong bài phát biểu trên truyền hình. Ông cho biết sẽ cùng Đức sớm đưa ra một cách đối phó chung.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng điều cần làm là đảm bảo người dân Afghanistan nương náu an toàn tại các quốc gia láng giềng.
“Chúng ta không nên lặp lại sai lầm trong quá khứ khi không cung cấp đủ nguồn quỹ cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và các chương trình cứu trợ khác” – bà Merkel nhắc lại cuộc khủng hoảng người tị nạn từ Syria đổ về châu Âu năm 2015.
Đức khi đó tuyên bố chào đón người tị nạn nhưng đã phải thừa nhận “không thể giải quyết vấn đề bằng cách tiếp nhận tất cả”.
Mỹ chi 500 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp
Tối 16-8, giờ Mỹ, Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ chi 500 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho người tị nạn ở Afghanistan, bao gồm những người nộp đơn xin thị thực nhập cư đặc biệt. Mỹ đang chuẩn bị di tản hàng ngàn người Afghanistan theo diện nhập cư đặc biệt này để tránh bị Taliban trả thù vì từng làm việc cho Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Afghanistan có thể còn lớn hơn. UNHCR ước tính khoảng 400.000 người ở Afghanistan đã phải rời bỏ nhà cửa từ đầu năm 2021. Các tổ chức cứu trợ cảnh báo đây chỉ là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hơn tại Afghanistan.
Ngày 15-8, bà Caroline Van Buren, đại diện UNHCR tại Afghanistan, cho biết hiện có khoảng 20.000 đến 30.000 người Afghanistan chạy ra nước ngoài mỗi tuần.
“Chúng ta đang chứng kiến một số lượng lớn người rời khỏi Afghanistan: các chuyến bay đầy ắp những người có giấy tờ đi lại, có thể lấy được thị thực, những người được phép ở lại các nước khác.
Nhưng giờ chúng ta cũng thấy xu hướng người dân ra đi một cách không chính quy, họ chạy trốn vì sự an toàn của mình mà không có giấy tờ và có khả năng bị lợi dụng rất cao” – bà Van Buren nói.
“Mọi người dân Afghanistan đang kêu khóc. Tôi mong thế giới hãy hỗ trợ, đừng bỏ mặc người Afghanistan” – Elena, một người Afghanistan xin tị nạn ở Hy Lạp, tham gia cuộc biểu tình ngày 16-8.
Nhiều người đã chạy thoát đang lo lắng cho người thân, bạn bè của mình còn đang mắc kẹt tại Afghanistan.
Trong khi đó, cộng đồng người Afghanistan sống tại Mỹ đang cố gắng giúp người thân ở quê nhà rời khỏi đất nước đang hỗn loạn.
Theo Hãng tin Reuters, có khoảng 156.000 người Afghanistan đang sống ở Mỹ. Nhiều người trong số này đang kêu gọi Washington nhận thêm nhiều người Afghanistan hơn nữa.
“Mỹ có nghĩa vụ đạo đức. Hãy tiếp nhận càng nhiều người tị nạn Afghanistan càng tốt”, ông Khaled Hosseini – nhà văn người Mỹ gốc Afghanistan có tác phẩm nổi tiếng The Kite Runner – viết trên Twitter.
Theo ước tính của bà Rona Popal – giám đốc điều hành Liên minh Afghanistan có trụ sở tại thành phố Fremont của bang California, có ít nhất 60.000 người Afghanistan sống tại vùng vịnh San Francisco và là cộng đồng người Afghanistan lớn nhất ở Mỹ.
Bà Popal cho biết Liên minh Afghanistan đang giúp người Afghanistan ở Mỹ nộp đơn xin thị thực cho người thân đang mắc kẹt ở quê nhà. Dù vậy, bà Popal thừa nhận tổ chức này không thể giúp được gì nhiều.
Khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15-8, anh Besmellah Khuram ngồi trong phòng khách của mình ở thành phố Sacramento, bang California, Mỹ và gọi video cho gia đình ở Afghanistan.
Em trai 34 tuổi của anh Khuram đang vô cùng sợ hãi do người này từng là nhà thầu công nghệ thông tin cho các tổ chức từ thiện nước ngoài và Chính phủ Afghanistan.
Người em trai hy vọng anh Khuram, từng làm việc cho Cơ quan Phát triển quốc gia Mỹ (USAID) tại Afghanistan và hiện đang sống ở Mỹ bằng thẻ xanh, có thể giúp gia đình mình.
“Có cách nào để bọn em thoát khỏi đây không?”, em trai của Khuram hỏi qua điện thoại. Qua màn hình điện thoại, anh Khuram còn có thể nhìn thấy người mẹ già của anh, em dâu và hai đứa cháu.
Anh Khuram đã nói trong nước mắt là không có cách nào giúp gia đình em trai thoát khỏi Afghanistan. “Sau đó chỉ còn sự im lặng. Họ không thể thốt lên một lời nào”, anh Khuram kể.
Theo Reuters, anh Khuram (36 tuổi) – đang là nhân viên bán ôtô và là lãnh đạo cộng đồng Afghanistan tại thành phố Sacramento – mong muốn cộng đồng quốc tế và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải làm nhiều hơn nữa cho người dân Afghanistan.
“Họ đã sát cánh cùng người Mỹ để hoàn thành nhiệm vụ. Giờ là lúc nước Mỹ sát cánh với người Afghanistan đã làm việc cùng họ, đã mạo hiểm mạng sống của mình”, anh Khuram nói.
Trong khi đó, anh Jawid Amerian (31 tuổi) – điều hành doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm Afghanistan tại Fremont sau khi đến Mỹ vào 5 năm trước – cho biết anh cảm thấy bất lực khi nói chuyện với mẹ ở quê nhà.
Anh Amerian chỉ trích chính quyền ông Biden vì đã rút quân khỏi Afghanistan. “Tôi ước chính quyền ông Biden đã có quyết định tốt hơn và không để đất nước (Afghanistan) bị tàn phá bởi tổ chức cực đoan này (Taliban). Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra ở Afghanistan vào ngày mai”, anh Amerian nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã bảo vệ quyết định rút quân trong ngày 16-8. Theo ông Biden, Taliban kiểm soát dễ dàng Afghanistan là do các nhà lãnh đạo Afghanistan đã chạy trốn và quân đội thiếu ý chí chiến đấu.
Các nữ vận động viên Afghanistan cầu cứu
Nữ cầu thủ bóng rổ Nilofar Bayat đã xin Liên đoàn Bóng rổ Tây Ban Nha cứu cô thoát khỏi Afghanistan – Ảnh: Marca
Hàng loạt vận động viên thể thao nữ ở Afghanistan đã đồng loạt lên tiếng cầu xin các tổ chức quốc tế giúp họ thoát khỏi đất nước này, sau khi Taliban chiếm phủ tổng thống.
Người đầu tiên lên tiếng là nữ cầu thủ bóng rổ Nilofar Bayat – đội trưởng tuyển bóng rổ xe lăn Afghanistan. Cô đã liên hệ với Liên đoàn Bóng rổ Tây Ban Nha xin họ giúp cô thoát khỏi đất nước này vì cảm thấy không an toàn.
Nói với Marca, Nilofar Bayat cho biết: “Tôi không thể ra ngoài và tôi biết mình không an toàn ở đây. Taliban sẽ giết tôi. Chúng không thích những phụ nữ như tôi”.
Khi Nilofar Bayat mới 2 tuổi, nhà của cô đã bị một quả tên lửa bắn vào. Anh trai cô tử vong, còn cô bị chấn thương tủy sống phải nằm viện hơn 1 năm, sau đó phải ngồi xe lăn đến giờ.
Trong khi đó, nữ cầu thủ Khalida Popal – từng là đội trưởng tuyển bóng đá Afghanistan – đã cùng nhiều tuyển thủ nữ khác chạy trốn khắp nơi và liên lạc xin cứu giúp.
Khalida Popal đã gọi điện cho phóng viên AP nói: “Tôi được khuyên gỡ bỏ các kênh truyền thông xã hội, gỡ ảnh xuống và trốn đi. Điều đó khiến tôi tan nát vì trong suốt những năm qua, chúng tôi đã làm việc để nâng cao tầm nhìn của phụ nữ và bây giờ tôi phải nói với những người phụ nữ của tôi ở Afghanistan hãy im lặng và biến mất. Tính mạng của họ đang gặp nguy hiểm”.
Rất nhiều ngôi sao thể thao nữ ở Afghanistan cũng đang tìm mọi cách để thoát khỏi đất nước vì họ “cảm thấy rất sợ hãi”, vì Taliban luôn phản đối phụ nữ đi học, đi làm và chơi thể thao.
QUỐC THẮNG