01/11/2024

Mệnh lệnh từ trái tim

Mệnh lệnh từ trái tim

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Việt Nam (28 và 29-7), lãnh đạo bộ quốc phòng Việt Nam và Mỹ đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt bộ đội Việt Nam.

 

Mệnh lệnh từ trái tim - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi cuối tháng 7-2021 – Ảnh: Chad McNeeley/Bộ Quốc phòng Mỹ

Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh là mệnh lệnh từ trái tim đối với tất cả chúng ta – những người đang được sống trong hòa bình trên đất nước Việt Nam tự do và độc lập.

Đại sứ HÀ KIM NGỌC

Ngày 3-8, một cuộc hội thảo trực tuyến về chủ đề này đã được Viện Hòa bình Mỹ (USIP) tổ chức ở hai đầu cầu thủ đô Hà Nội và Washington.

Đây là dịp để những người từng trực tiếp tham gia hoặc góp phần thúc đẩy công tác xử lý hậu quả chiến tranh ở hai nước nhìn lại chặng đường đã qua trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng thảo luận về hợp tác trong một nội dung mới: tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.

Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nó thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, tri ân những người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của đất nước.

Đồng thời, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ phần nào làm vơi đi những nỗi đau, mất mát của các gia đình có con em đã hy sinh.

Là người gắn bó với quan hệ Việt – Mỹ, trực tiếp tham gia và đóng góp vào công tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước ngay từ thời kỳ đầu, tôi hiểu rõ mức độ quan tâm và nguồn lực to lớn mà Đảng, Nhà nước, các cơ quan hữu quan, các tổ chức và địa phương đã dành cho công tác tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ.

Nỗ lực ấy đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập và khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa đủ thông tin để xác định danh tính.

Trong tình hình đó, sự hợp tác từ phía Mỹ như đã thể hiện trong nội dung bản ghi nhớ vừa ký sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ và nâng hiệu quả của quá trình tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính bộ đội Việt Nam.

Các biện pháp phối hợp tới đây sẽ giúp cung cấp hàng triệu thông tin, tư liệu gốc cùng nguồn lực tài chính và công nghệ tiên tiến. Điều này cũng thể hiện thiện chí và trách nhiệm của phía Mỹ đóng góp cùng Việt Nam giải quyết một trong những hậu quả do chiến tranh để lại.

Mệnh lệnh từ trái tim - Ảnh 3.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc – Ảnh: ĐSQ Việt Nam tại Mỹ

Thách thức lớn nhất cho việc triển khai hợp tác tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh là số lượng hài cốt chưa quy tập.

Như đã đề cập, con số này còn trên 200.000, trong khi điều kiện tìm kiếm ngày càng khó khăn, xuất phát từ việc thiếu thông tin, sự thay đổi của địa hình cũng như việc nhiều nhân chứng hiện không còn sống. Đại dịch COVID-19 cũng cản trở công việc này rất nhiều.

Thêm vào đó, khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa đủ thông tin để xác định danh tính. Trong số này, nhiều hài cốt đã bị phân hủy, chất lượng ADN lưu lại rất thấp và Việt Nam chưa có ngân hàng gene để lưu giữ và so sánh kết quả mẫu phân tích. Vì thế, đây là cuộc chạy đua quyết liệt với thời gian.

Chính vì vậy, sau khi có thỏa thuận hợp tác, điều quan trọng là hai bên nhanh chóng đi vào thực thi để phía Mỹ có các hỗ trợ thiết thực giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả của quá trình tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính các liệt sĩ.

Tôi cũng hy vọng trung tâm công nghệ cao giúp nhận dạng hài cốt sẽ sớm được phía Mỹ dành nguồn lực đầu tư xây dựng ở Việt Nam. Tôi tin rằng khi hai bên cùng có thiện chí, quyết tâm và cùng xắn tay vào làm, chúng ta sẽ dần tháo gỡ các khó khăn, hóa giải thách thức và đạt những bước tiến mới trong việc thực hiện nhiệm vụ cao cả này.

Chúng ta mong muốn tìm được nhiều nhất và nhanh nhất có thể hài cốt của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc để các anh, chị được trở về với người thân và phần nào làm vơi đi nỗi đau, mất mát không gì bù đắp nổi của các gia đình liệt sĩ.

Giúp thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ

Việc tăng cường hợp tác hai nước trong khắc phục hậu quả chiến tranh cũng hết sức ý nghĩa đối với giới chính khách cũng như dư luận Mỹ.

Hoạt động hợp tác này có tác động rất tích cực, giúp thu hút sự quan tâm, ủng hộ và hợp tác của các cơ quan hữu quan thuộc chính quyền, Quốc hội Mỹ, các tổ chức cựu binh, báo chí cũng như người dân Mỹ đối với các nỗ lực tiếp tục giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam nói chung và tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh nói riêng.

Sự tăng cường hợp tác để hàn gắn vết thương chiến tranh sẽ giúp nâng cao hơn nữa nhận thức của các tầng lớp nhân dân Mỹ, đặc biệt ở giới trẻ, về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc giải quyết hậu quả chiến tranh trong quan hệ hai nước, về trách nhiệm đóng góp vào việc xử lý hậu quả chiến tranh, qua đó góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa giải giữa hai dân tộc và xây dựng lòng tin, tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

HÀ KIM NGỌC (đại sứ Việt Nam tại Mỹ)
TTO