Trung Quốc từ chối kế hoạch điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO
Trung Quốc từ chối kế hoạch điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc Tăng Ích Tân vừa tuyên bố nước này sẽ không theo kế hoạch do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất về giai đoạn hai của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay 22.7, ông Tăng nói rằng kế hoạch điều tra nguồn gốc Covid-19 giai đoạn 2 do WHO đề xuất chứa đựng ngôn từ không tôn trọng khoa học và Trung Quốc phản đối chính trị hóa cuộc điều tra này, theo Reuters.
Trong cuộc họp kín với đại diện của các nhà nước thành viên ngày 16.7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề xuất 5 ưu tiên cho giai đoạn kế tiếp của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Trong đó có “việc kiểm tra các phòng thí nghiệm liên quan và các viện nghiên cứu hoạt động ở những khu vực có ca nhiễm đầu tiên được xác định vào tháng 12.2019”, theo tờ The Guardian dẫn một bản sao bài phát biểu khai mạc cuộc họp của ông Tedros do WHO cung cấp.
Ông Tedros còn kêu gọi nghiên cứu thêm các chợ bán động vật trong và xung quanh thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố và là nơi tọa lạc của Viện Virus học Vũ Hán.
Trong cuộc họp báo ngày 19.7, khi được Reuters hỏi về phản ứng của Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng kế hoạch điều tra nguồn gốc Covid-19 giai đoạn 2 do ông Tedros đề xuất “không phù hợp với lập trường của Trung Quốc và nhiều nước khác về vấn đề này”.
Ông Triệu còn nhắc lại kết luận từ cuộc điều tra giai đoạn một do nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đến Vũ Hán hồi tháng 1 và 2 rằng việc virus gây Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.
Kết luận này gây nhiều tranh cãi và ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ Mỹ và nhiều nước khác về việc điều tra thêm nguồn gốc Covid-19, trong đó có giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Hôm 16.7, Thủ tướng Úc Scott Morrison lặp lại kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch, nhấn mạnh “thế giới xứng đáng có câu trả lời”, theo tờ South China Morning Post.
Kế từ khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được công bố ở Vũ Hán vào cuối năm 2019 đến nay, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu đã tăng lên hơn 190 triệu ca, trong đó có hơn 4 triệu ca tử vong, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins.
VĂN KHOA
TNO