Bệnh nhân Covid-19 nào được xuất viện sớm?
Bệnh nhân Covid-19 nào được xuất viện sớm?
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới nhất, cập nhật lần 5 về chẩn đoán, điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19.
Giảm thời gian điều trị cách ly tập trung
Một trong những điểm mới là thay vì kéo dài thời gian điều trị cách ly tập trung tất cả BN Covid-19 tối thiểu 14 ngày (kể từ khi có triệu chứng hoặc khi nhập viện với 2 lần xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2), hướng dẫn lần này đã cập nhật chia làm 3 trường hợp, cho phép giảm thời gian điều trị cách ly tập trung.
Cụ thể: BN được xuất viện vào ngày 10, ngày 14 và xuất viện sau ngày 14, kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Các thời điểm xuất viện được kèm theo các tiêu chí cụ thể.
Theo TS Khuê: Hướng dẫn mới ban hành ngày 14.7 rút ngắn thời gian điều trị 4 ngày, khi BN đủ điều kiện sức khỏe, giúp người bệnh vẫn đảm bảo sức khỏe và các bệnh viện (BV) giảm tải, tập trung cho BN nặng hoặc vẫn cần được chăm sóc y tế.
Đây là lần đầu tiên cơ sở điều trị sẽ thực hiện chỉ định BN Covid-19 xuất viện vào ngày 10, với các trường hợp đủ điều kiện, thay vì phải chờ đủ 14 ngày như trước.
Theo đó, BN xuất viện ngày 10 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, khi đạt các tiêu chuẩn sau: Không có triệu chứng lâm sàng trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tối thiểu lấy 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30); thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.
TS Khuê cho rằng, việc xuất viện sớm 4 ngày giúp BN sớm được về với người thân trong gia đình là điều mà người bệnh nào cũng mong muốn. Nhưng việc áp dụng chỉ định này đòi hỏi các bác sĩ phải đánh giá chặt chẽ, chính xác tình trạng, tránh nguy cơ BN trở nặng khi về nhà. Đồng thời, y tế cơ sở cũng phải chịu trách nhiệm cao hơn trong việc theo dõi diễn biến sức khỏe người bệnh.
Chính thức đưa xuyên tâm liên vào điều trị
TS Lương Ngọc Khuê cho hay, một trong những điểm mới trong điều trị BN Covid-19 là sử dụng sớm thuốc chống đông máu và Corticoid dự phòng sớm giảm nguy cơ biến chứng nặng; sử dụng kháng thể đơn dòng (thuốc mới, chi phí lớn) trong điều trị BN nặng.
Lần đầu tiên, thuốc đông y xuyên tâm liên cũng được đưa vào điều trị BN Covid-19. Thuốc này đã được sử dụng nhiều năm qua, trong điều trị cảm cúm tại Việt Nam.
Theo PGS Khuê, xuyên tâm liên là thuốc đông y sẵn có trong nước, về nguồn nguyên liệu cũng như bào chế. Trong dịch Covid-19, một số nước như Trung Quốc, Thái Lan… đã sử dụng thuốc này thành công trong điều trị.
Một lãnh đạo của Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết xuyên tâm liên từng bước được dùng phối hợp trong điều trị BN Covid-19 và sẽ có đánh giá về hiệu quả.
Theo dược điển Việt Nam, xuyên tâm liên được sử dụng trong điều trị viêm ruột, lỵ cấp tính, viêm phổi, viêm họng, amidan, ho…
Người bệnh Covid-19 sau khi ra viện cần tiếp tục được cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở 2 lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.
(Nguồn: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19)
LIÊN CHÂU
TNO