Tháo gỡ vướng mắc cho “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 địa điểm”
Cụ thể, báo cáo cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp có thể bố trí ở, sản xuất tại chỗ nhưng khó khăn nhất là điều kiện ăn uống tại chỗ, vì sẽ rất khó bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân. Các doanh nghiệp đề nghị UBND thành phố cho phép doanh nghiệp được hợp tác với các đơn vị nhà hàng, khách sạn ngành du lịch (đang phải ngừng nghỉ làm việc) để thực hiện cung ứng suất ăn thường xuyên cho doanh nghiệp, trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tổ chức bếp ăn tại chỗ. Cách thức thực hiện giống như trước đây thành phố đã cho phép Saigon Co.op và các khách sạn cung cấp suất ăn cho các khu cách ly tập trung. Công tác tổ chức giao nhận đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch (nhân viên giao nhận đeo khẩu trang, kính chống tia bắn, mặc bảo hộ y tế, xét nghiệm âm tính Covid-19).
Về điều kiện thực hiện 1 cung đường 2 địa điểm, quan điểm của doanh nghiệp TP.HCM là với doanh nghiệp có số công nhân đông, có thể phải thuê nhiều khách sạn, nhà nghỉ độc lập ở các địa chỉ khác nhau để cho công nhân ở và được quản lý tập trung. Do vậy việc đưa đón công nhân từ chỗ ở tập trung đến chỗ sản xuất có thể là nhiều hơn 1 địa điểm. Vì vậy đề nghị UBND thành phố thống nhất chỉ đạo để hiểu về khái niệm “1 cung đường 2 địa điểm” theo nghĩa rộng hơn, tức là đưa đón công nhân giữa nhà máy và các khu ở tập trung không dừng dọc đường từ chỗ ở đến chỗ làm việc và ngược lại. Đặc biệt, thành phố cho phép các công ty hợp đồng với các đơn vị vận chuyển hành khách để bố trí xe thực hiện việc đưa đón công nhân theo tiêu chí này. Các xe được dán logo, giấy phép hoạt động chuyên trách đưa rước công nhân cho từng doanh nghiệp, thực hiện việc vệ sinh diệt khuẩn thường xuyên, lái xe đảm bảo tiêu chí phòng chống dịch.
Kiến nghị về hoạt động logistics, văn phòng điều hành trong thời gian thực hiện 3T
Ngoài ra, trong báo cáo và đề xuất, HUBA cũng nêu vấn đề nhiều
doanh nghiệp quy mô lớn thường có văn phòng điều hành ở trung tâm thành phố để thực hiện điều phối hoạt động sản xuất, cung ứng nguyên liệu, hàng hóa, tài chính, các nguồn lực của các nhà máy tại các khu công nghiệp của thành phố và các tỉnh. Thông thường, hoạt động sản xuất của các nhà máy không thể thiếu sự chỉ đạo, điều hành, điều phối này. Thế nên, văn phòng điều hành của doanh nghiệp mà ngưng hoạt động thì các nhà máy cũng khó có thể hoạt động ổn định được. Doanh nghiệp đề nghị UBND thành phố cho doanh nghiệp duy trì văn phòng điều hành với số lượng nhân viên tối thiểu không vượt quá 30% (hoặc 1/3) số nhân sự thường xuyên. Nhân sự làm việc tại văn phòng này được cấp phép đi lại thực hiện các hoạt động tài chính,
kinh doanh, hành chính thật sự cần thiết do hiện các hoạt động này đều đã có thể thực hiện qua phương thức số, online. Ngoài ra, doanh nghiệp tự thực hiện xét nghiệm hoặc thuê dịch vụ xét nghiệm Covid-19 thường xuyên (3 ngày/lần) cho nhân viên hoạt động tại văn phòng và thành phố có thể thực hiện kiểm tra đột xuất sự tuân thủ của doanh nghiệp.
Về hoạt động của kho bãi, vận chuyển, HUBA cho rằng, đây là một phần quyết định trong việc duy trì điều kiện cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Hiện nay, hoạt động của các kho bãi và công tác vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều địa phương không cho phép các kho bãi hoạt động, nhiều trạm kiểm soát trong thành phố không cho lưu thông vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa sau sản xuất đến nơi tiêu thụ, vì coi là không phải mặt hàng thiết yếu, một số tỉnh ban hành các quy định yêu cầu cách ly đối với người và phương tiện vận chuyển… Thế nên, nếu hoạt động kho bãi và vận chuyển lưu thông không được thực hiện thì hoạt động sản xuất của các nhà máy dù đủ 3T cũng sẽ phải ngừng sản xuất.
Từ vướng mắc trên, doanh nghiệp đề nghị TP.HCM với vai trò hạt nhân của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, có thể đề nghị Chính phủ có chính sách nhất quán và chỉ đạo các tỉnh, thành thống nhất cách thực hiện, các thủ tục kiểm soát lưu thông vì thực tế, hiện nay mỗi nơi áp dụng, đặt ra điều kiện khác nhau, đây là vấn đề gây ách tắc chính của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Cần có sự thống nhất các quy định để các doanh nghiệp biết cách thực hiện và thuận lợi cho việc kiểm soát sự tuân thủ, có thể thực hiện việc xử phạt thật nặng hoặc đình chỉ hoạt động nếu doanh nghiệp vi phạm”, báo cáo nhấn mạnh và đề xuất ưu tiên tiêm cho
người lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có quy mô người lao động cư trú rộng trên nhiều quận huyện, địa phương, ưu tiên vắc xin cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo điều kiện 3T.
Ngoài ra, để duy trì hệ sinh thái sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, HUBA kiến nghị thành phố thống nhất cho phép các đơn vị cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho sản xuất như: năng lượng, điện, nước, xăng dầu, gas, than, củi, internet, hạ tầng mạng; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi cung ứng toàn cầu; nguyện vật liệu, phụ liệu, vật tư, nhiên liệu khác cho sản phẩm thiết yếu; bao bì, đóng gói sản phẩm; vận tải, giao nhận, dịch vụ giao nhận, khai báo hải quan; bộ phận dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa máy móc thiết bị phần cứng, phần mềm cho các doanh nghiệp sản xuất; dịch vụ pháp lý hỗ trợ
tài chính, hành chính như công chứng, ngân hàng… được tiếp tục hoạt động cung ứng các dịch vụ cho sản xuất. Nếu các đơn vị trong hệ sinh thái nêu trên mà không hoạt động thì các doanh nghiệp sản xuất dù đủ điều kiện 3T cũng sẽ không thể hoạt động ổn định lâu dài được. Thành phố cần ban hành các quy định, điều kiện để các doanh nghiệp trong hệ sinh thái phục vụ sản xuất như trên tiếp tục hoạt động.
NGUYÊN NGA
TNO