23/11/2024

Tỉnh táo dàn quân chống dịch

Tỉnh táo dàn quân chống dịch

Với 714 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố ngày 3-7, TP.HCM chính thức vượt ngưỡng 5.000 ca nhiễm kể từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay (5.503 ca). Đây cũng là ngày có số ca nhiễm cao nhất từ đầu mùa dịch.

 

Tỉnh táo dàn quân chống dịch - Ảnh 1.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn khu dân cư thuộc phường 9, quận 4, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Cho rằng số ca mắc ở TP.HCM nhiều khả năng còn tăng cao và duy trì ở mức 3 con số, song các chuyên gia dịch tễ cho rằng người dân không nên quá lo lắng bởi “kịch bản” nằm trong dự báo.

Đặc biệt chiến lược mở rộng xét nghiệm “truy bắt” F0 “lang thang” trên toàn TP đang đi đúng hướng và cần tiếp tục duy trì một cách hợp lý, khoa học.

Bất ngờ với làn sóng dịch thứ 2

Có một điều khá đặc biệt so với các tỉnh thành khác là trong cùng đợt dịch thứ 4, TP.HCM đang trải qua 2 làn sóng dịch. Đó là từ 18-5 đến 14-6, chuỗi lây nhiễm tại nhóm truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp) đến nay đã ghi nhận có gần 600 ca.

Làn sóng thứ 2 bắt đầu từ ngày 15-6, từ vài ca chỉ điểm ban đầu đã dần xâm nhập sâu vào các khu nhà trọ, cụm dân cư, tòa nhà văn phòng, chung cư… Từ đó tiếp tục lan ra các khu chế xuất, khu công nghiệp…

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, để ứng biến với số ca mắc tăng cao, ngành y tế đề ra các kịch bản “gối đầu”, đảm bảo có đủ cơ số giường điều trị.

Với “tình huống xấu nhất” trên 5.000 ca mắc cần tối đa 1.000 giường hồi sức, trường hợp nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trường hợp nặng được điều trị ở các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19.

Với sự đe dọa của chủng virus Delta có đặc tính lây nhiễm nhanh – mạnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng tình hình dịch bệnh còn có thể tăng nhanh trong thời gian tới.

Do đó ngành y tế tiếp tục chuẩn bị kế hoạch “gối đầu” điều trị cho 10.000 hoặc thậm chí 15.000 ca bệnh, phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế.

Cụ thể cấp không triệu chứng điều trị ở bệnh viện dã chiến, cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình điều trị ở bệnh viện điều trị COVID-19 tại 4 cửa ngõ TP và cấp bệnh nhân nặng điều trị ở các bệnh viện tuyến trung tâm TP.

Ngoài 10 bệnh viện đang điều trị COVID-19 với quy mô 5.000 giường hiện nay, ông Bỉnh cũng vừa ký quyết định trưng dụng để lập thêm 2 bệnh viện dã chiến có quy mô 5.000 giường.

Trong đó ký túc xá của Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (ĐH Quốc gia TP.HCM) quy mô 1.000 giường và ký túc xá khu A của ĐH Quốc gia TP.HCM quy mô 4.000 giường. Với việc hai bệnh viện dã chiến mới được thành lập, TP.HCM có tổng cộng 10.000 giường để điều trị bệnh nhân COVID-19.

Tỉnh táo dàn quân chống dịch - Ảnh 2.

Tính từ thời điểm phát sinh làn sóng dịch đầu tiên, chỉ trong một tháng rưỡi TP.HCM đ. ghi nhận trên 5.000 ca mắc, thời gian thiết lập các ngưỡng ca nhiễm cao hơn rút ngắn đến chóng mặt – Dữ liệu: Hoàng Lộc – Đồ họa: N.KH.

Xác định đỉnh dịch: khó

Hiện TP.HCM đã thành lập 1.000 đội lấy mẫu với 3.000 nhân viên y tế, 6.000 sinh viên y khoa. Ngoài ra còn huy động thêm 4.000 thanh niên tình nguyện sau khi hoàn tất chiến dịch tiêm vắc xin sẽ chuyển sang nhập liệu thông tin các trường hợp xét nghiệm.

“Ngoài ra mỗi quận huyện sẽ được phân công 2 nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP và 2 nhân viên của Sở Y tế TP để phối hợp trong công tác lấy mẫu xét nghiệm và truy vết” – một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nói.

Chiến thuật xét nghiệm cũng được chuyển hướng phù hợp khi áp dụng linh hoạt xét nghiệm test nhanh và RT-PCR, mẫu đơn và mẫu gộp, khu vực có ca mắc bị phong tỏa, khu vực lân cận và khu cách ly tập trung.

Ngoài ra ngành y tế đã triển khai test nhanh tại các khu cách ly tập trung thay vì phải thực hiện xét nghiệm RT-PCR 5 lần như quy định nhằm phát hiện sớm ca mắc để cách ly riêng, tránh lây lan.

Thời gian trả kết quả xét nghiệm cũng được kéo giảm xuống còn 12 tiếng, điều này giúp truy vết nhanh, kịp thời cách ly và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp mắc bệnh và tiếp xúc gần.

Một vấn đề khá quan trọng là xác định đỉnh dịch ở TP.HCM. Theo các chuyên gia dịch tễ, đây là đợt dịch (thời điểm mà các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng phát bệnh sau thời gian ủ bệnh) mà TP.HCM rất khó khăn trong việc xác định đỉnh dịch chính xác bởi có nhiều chuỗi lây bệnh nối tiếp nhau.

Nếu xác định được đỉnh dịch sẽ giúp đánh giá cục diện, từ đó chủ động có các biện pháp đối phó quyết liệt.

“Giai đoạn này cần phải quyết liệt thực hiện đồng loạt các giải pháp như truy vết, xét nghiệm, cách ly. Song song đó, người dân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch, tránh tụ tập hạn chế nguy cơ. Nếu làm tốt, đó sẽ là chìa khóa ngăn chặn để đi đến dập tắt dịch” – một chuyên gia dịch tễ khẳng định.

914

Đó là số ca mắc trong cộng đồng ngày 3-7, cao nhất trong ngày của cả nước kể từ khi dịch Covid-19 xâm nhập.

Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 ngày 2-7, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn – trưởng bộ phận thường trực phòng chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM – nêu ra một số vấn đề về trả kết quả xét nghiệm còn chậm, công tác truy vết chưa đạt như mong đợi và khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn nhiều bất cập.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP.HCM cần tăng cường năng lực cũng như số lượng test nhanh cung cấp cho các quận huyện, đảm bảo công tác phát hiện sớm, truy vết càng nhanh càng tốt.

Các quận, huyện và TP Thủ Đức cần chủ động, nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội, tránh tụ tập trong xét nghiệm, tiêm vắc xin.

HOÀNG LỘC
TTO