Ebrahim Raisi, người mang tới ‘bình minh kỷ nguyên mới’ cho Iran, là ai?
Ebrahim Raisi, người mang tới ‘bình minh kỷ nguyên mới’ cho Iran, là ai?
Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi của Iran muốn “chặt đứt cả những ngón tay và cánh tay tham nhũng”, kiên quyết đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Ông sẽ là tổng thống Iran đầu tiên bị Mỹ áp lệnh trừng phạt.
Ngày 20-6, những người theo đường lối bảo thủ ở Iran đã ăn mừng chiến thắng bầu cử của ứng cử viên tổng thống Ebrahim Raisi, theo Hãng tin AFP.
Ông Raisi dự kiến nhậm chức tổng thống Iran vào tháng 8, thay thế ông Hassan Rouhani – tổng thống sắp mãn nhiệm vốn là người theo đường lối ôn hòa.
“Bình minh của một kỷ nguyên mới” – tờ Resalat, nhật báo theo đường lối bảo thủ ở Iran, chạy tiêu đề đáng chú ý trên trang nhất, cho biết ông Raisi giành được 62% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử hôm 18-6.
Ông Ebrahim Raisi là ai?
Trước khi đắc cử tổng thống, giáo sĩ Hồi giáo Ebrahim Raisi (60 tuổi) là bộ trưởng tư pháp của Iran và là một thẩm phán theo đường lối bảo thủ.
Ông được xem là người có khả năng kế nhiệm lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei (82 tuổi) khi ông Khamenei qua đời.
Theo Đài Al Jazeera, ông Raisi sinh tại thành phố Mashhad, đông bắc Iran. Đây là một trung tâm tôn giáo của người Hồi giáo dòng Shia. Ông lớn lên trong một gia đình giáo sĩ, được giáo dục về tôn giáo từ rất sớm và theo học tại một trường dòng ở thành phố Qom lúc 15 tuổi.
Trong Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 nhằm lật đổ quyền lực của vua Mohammad Reza Pahlavi, ông Raisi được cho là đã tham gia một số sự kiện buộc vua Mohammad Reza Pahlavi phải sống lưu vong và dẫn đến việc thành lập chế độ Cộng hòa Hồi giáo do ông Ruhollah Khomeini lãnh đạo.
Sau Cách mạng Hồi giáo Iran, ông Raisi làm việc tại văn phòng công tố viên ở thành phố Masjed Soleyman, tây nam Iran.
Năm 1985, ông Raisi chuyển đến thủ đô Tehran sau khi được bổ nhiệm làm phó công tố viên. Đó là một bước ngoặt lớn với cuộc đời ông.
Ông Raisi tiếp tục thăng tiến theo thời gian trong hệ thống tư pháp của Iran, sau khi ông Ali Khamenei trở thành lãnh tụ tối cao Iran năm 1989.
Ông Raisi trở thành công tố viên của Tehran, sau đó làm người đứng đầu Văn phòng Tổng thanh tra, và giữ vị trí phó chánh án thứ nhất của Iran từ năm 2004 – 2014. Ông được lãnh tụ tối cao Khamenei bổ nhiệm làm bộ trưởng tư pháp năm 2019.
Trên cương vị bộ trưởng tư pháp Iran, ông Raisi xây dựng hình ảnh là một người phản đối mạnh mẽ tham nhũng. Ông đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử công khai, truy tố nhiều nhân vật thân cận với chính phủ và cơ quan tư pháp.
Ông cũng thực hiện hiệu quả chiến dịch tranh cử tổng thống, tới vận động tranh cử tại gần như toàn bộ 32 tỉnh của Iran.
Trong mỗi chuyến đi đó, ông thường công bố đã đưa một nhà máy lớn quay trở lại từ bờ vực phá sản, luôn thể hiện là người đấu tranh cho tầng lớp lao động của Iran, thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương phát triển trong bối cảnh đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Những ưu tiên của tổng thống mới
Tương lai của Iran và mối quan hệ giữa nước này với phương Tây đang là những vấn đề được bàn luận nhiều sau khi ông Raisi đắc cử tổng thống.
“Với sự tin tưởng của mọi người dành cho tôi, tôi đang gánh trách nhiệm to lớn trên vai. Tôi sẽ cố gắng hết sức” – ông Raisi phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 19-6.
Trong nước, vị giáo sĩ Hồi giáo này cho biết sẽ ưu tiên chống tham nhũng, cải thiện sinh kế của người dân và tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên diện rộng.
Ông từng nói: “Chúng ta sẽ không chỉ cắt đứt những ngón tay, mà còn chặt đứt cả những cánh tay tham nhũng”.
Ngoài nước, theo báo Wall Street Journal, chính sách đối ngoại của ông Raisi có thể sẽ được định hình bởi những nhân vật thân cận quanh ông như các bộ trưởng nội các, cố vấn và trên hết là lãnh tụ tối cao Khamenei.
Theo Hãng tin Reuters, ông Raisi không công bố chương trình kinh tế hay chính trị chi tiết nào trong suốt chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, với việc hứa hẹn “không lãng phí một khoảnh khắc nào” trong việc xóa bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ, ông Raisi đã bắn tín hiệu sẽ ủng hộ các cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Việc cứu được thỏa thuận này cũng sẽ giúp dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đang được phương Tây áp đặt lên Iran – vốn đã tàn phá nền kinh tế của Cộng hòa Hồi giáo này. Iran hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức với Mỹ.
“Chúng tôi sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Chúng tôi tin rằng các lệnh trừng phạt mang tính áp bức này phải được dỡ bỏ” – ông Raisi khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình quốc gia Iran.
Bản thân ông Raisi cũng bị Mỹ áp lệnh trừng phạt hồi năm 2019 vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Trong đó có cáo buộc ông tham gia cuộc đàn áp vụ bất ổn ở Iran năm 2009 và các vụ tử hình vào thập niên 1980. Ông Raisi sẽ là tổng thống Iran đầu tiên bị Mỹ áp lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, ngày 20-6, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói còn quá sớm để biết liệu cuộc bầu cử chọn ra tổng thống mới của Iran giúp mang lại sự thay đổi tốt hơn hay xấu hơn trong các cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Jake Sullivan cho rằng quyết định có cứu thỏa thuận này hay không nằm ở lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.
Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 có sự tham gia của Iran và nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và Đức), với tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5-2018, cho rằng thỏa thuận này không thể ngăn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Một số điều khoản trong thỏa thuận này hết hạn sau 10 hoặc 15 năm. Ông Trump cũng đã áp lệnh trừng phạt lên Iran và nhiều lãnh đạo của nước này như ông Khamenei.