25/12/2024

Xuất khẩu nông sản tăng 30% bất chấp COVID-19

Xuất khẩu nông sản tăng 30% bất chấp COVID-19

Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất khi chiếm 46,5% thị phần, tiếp đến là châu Mỹ (27%) và châu Âu (10,1%)… Trong đó, 4 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (24,6%), Trung Quốc (22,6%), Nhật Bản (6,6%) và Hàn Quốc (4,9%).

 

Xuất khẩu nông sản tăng 30% bất chấp COVID-19 - Ảnh 1.

Vải thiều sau khi đóng hộp được vận chuyển để xuất khẩu sang Nhật Bản – Ảnh: NAM TRẦN

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), dù ảnh hưởng của COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản… nhưng các mặt hàng xuất khẩu nông lâm thủy sản trong những tháng đầu năm 2021 đều tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 22,58 tỉ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,78 tỉ USD (tăng 13%), giá trị xuất khẩu chăn nuôi đạt 166 triệu USD (tăng 43,9%), giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 3,24 tỉ USD (tăng 12%), giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 7,06 tỉ USD (tăng 61,8%).

Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao như cao su (tăng 58,7% khối lượng và 93,9% giá trị), hạt điều (tăng 18,3% khối lượng, 4,9% giá trị), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 15,6% khối lượng và 27,5% giá trị).

Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất khi chiếm 46,5% thị phần, tiếp đến là châu Mỹ (27%) và châu Âu (10,1%)… Trong đó, 4 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (24,6%), Trung Quốc (22,6%), Nhật Bản (6,6%) và Hàn Quốc (4,9%).

Đối với thị trường Trung Quốc, hiện nay Việt Nam đã có các loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch bao gồm: xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm và măng cụt. Hằng năm, số lượng xuất khẩu trái cây tươi là 3,3 – 3,5 triệu tấn/năm.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng hàng xuất khẩu trái cây tươi đã xuất khẩu được 2,5 triệu tấn (bằng 76,2% so với cả năm 2020).

Hiện tại, Trung Quốc đang đồng ý xem xét phương án cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai lang và ớt. Bộ NN&PTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương để hoàn tất hồ sơ kỹ thuật nhằm gửi cho phía Trung Quốc xem xét.

Bộ NN&PTNT cho biết bộ đã và đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng… thực hiện rà soát, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy mô, sản lượng, nhất là các sản phẩm nông sản có tính chất mùa vụ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đồng thời Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành đang khuyến khích, hỗ trợ các nhà máy chế biến nông sản tăng cường việc sơ chế, chế biến các sản phẩm cấp đông, nước hoa quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp, chế biến gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch COVID-19 cho thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ…

CHÍ TUỆ
TTO