23/12/2024

Virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là nguy cơ có thật

Virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là nguy cơ có thật

Trong 23 quốc gia có phòng thí nghiệm nghiên cứu virus gây chết người, chỉ 1/4 trong số đó có phòng thí nghiệm bảo đảm an toàn cao.

 

Virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là nguy cơ có thật - Ảnh 1.

Phòng thí nghiệm BSL-4 của Canada – Ảnh: CƠ QUAN Y TẾ CÔNG CỘNG CANADA

Đại dịch trong tương lai do virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là nguy cơ có thật.

TS Filippa Lentzos ở Đại học Hoàng gia London (Anh) và TS Gregory Koblentz ở Đại học George Mason (Mỹ) đã cảnh báo trên trang The Conversation ngày 14-6.

59 phòng thí nghiệm BSL-4

Trên thế giới có 59 phòng thí nghiệm thuộc cấp độ kiểm soát tối đa (an toàn sinh học cấp 4 – BSL-4) đang hoạt động hoặc đang xây dựng.

Tại đây, các nhà nghiên cứu có thể làm việc an toàn với các mầm bệnh nguy hiểm, nhất là các mầm bệnh có thể gây bệnh nghiêm trọng không có thuốc điều trị hoặc vắc xin.

Các phòng thí nghiệm BSL-4 tọa lạc ở 23 quốc gia gồm châu Âu 25 phòng, Bắc Mỹ 14 phòng, châu Á 13 phòng (Canada có 1 phòng), Úc 4 phòng và châu Phi 3 phòng.

3/4 số phòng thí nghiệm nằm ở trung tâm đô thị.

Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc rộng 3.000m2 là phòng thí nghiệm BSL-4 lớn nhất thế giới.

Sắp tới, vị trí rộng nhất sẽ thuộc về Cơ sở Bảo vệ sinh học và nông nghiệp quốc gia thuộc Đại học bang Kansas (Mỹ).

Sau khi xây dựng xong, phòng thí nghiệm BSL-4 của cơ sở này rộng hơn 4.000m2.

Hầu hết các phòng thí nghiệm khác đều nhỏ hơn đáng kể. 50% trong 44 phòng thí nghiệm có cung cấp dữ liệu rộng chưa tới 200m2.

Khoảng 60% do chính phủ điều hành, 20% do các trường đại học quản lý và 20% thuộc các cơ quan an toàn sinh học.

Virus thoát ra từ phòng thí nghiệm là nguy cơ có thật - Ảnh 2.

Các dãy lồng động vật thí nghiệm trong phòng thí nghiệm BSL-4 tại Viện Y học nhiệt đới Bernhard Nocht ở Hamburg (Đức) – Ảnh: DPA

Nhiều nước không có quy chuẩn kiểm soát

TS Filippa Lentzos và TS Gregory Koblentz lưu ý chỉ số An ninh y tế toàn cầu đánh giá chỉ 1/4 các nước có phòng thí nghiệm BSL-4 đạt điểm cao về an toàn sinh học và an ninh sinh học.

Chỉ số này do tổ chức phi chính phủ quốc tế Sáng kiến đe dọa hạt nhân (Mỹ) phụ trách đánh giá các quốc gia có xây dựng pháp luật, quy định, cơ quan giám sát, chính sách và đào tạo về an toàn sinh học và an ninh sinh học hay không.

Một yếu tố đánh giá khác xuất phát từ Nhóm các chuyên gia quốc tế về điều phối an toàn sinh học và an ninh sinh học (IEGBBR).

Đến nay chỉ 40% các quốc gia có phòng thí nghiệm BSL-4 gia nhập IEGBBR như Úc, Canada, Pháp, Đức, Nhật, Singapore, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ.

Đặc biệt, không phòng thí nghiệm nào gia nhập hệ thống tự nguyện quản lý các nguy cơ sinh học (ISO 35001) năm 2019 để lập quy trình quản lý nhằm giảm thiểu rủi ro về an toàn sinh học và an toàn sinh học.

Trong 23 quốc gia có phòng thí nghiệm BSL-4, chỉ Úc, Canada và Mỹ có chính sách quốc gia về giám sát nghiên cứu lưỡng dụng (nghiên cứu vì mục đích hòa bình nhưng có thể điều chỉnh để gây thiệt hại hoặc nghiên cứu nhằm gia tăng khả năng gây bệnh của mầm bệnh).

Ngoài ra, ba nước Đức, Thụy Sĩ và Anh có xây dựng hình thức giám sát nghiên cứu lưỡng dụng.

Đáng lo ngại là phần lớn nghiên cứu về virus corona lại được tiến hành tại các quốc gia không có chính sách kiểm soát nghiên cứu lưỡng dụng hoặc các thí nghiệm gia tăng chức năng mầm bệnh.

DẠ THẢO
TTO