25/12/2024

Tổng giám đốc WHO: Dịch COVID-19 lây nhanh hơn tốc độ phân phối vắc xin

Tổng giám đốc WHO: Dịch COVID-19 lây nhanh hơn tốc độ phân phối vắc xin

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch COVID-19 đang lây lan nhanh hơn nỗ lực phân phối vắc xin và 1 tỉ liều vắc xin mà G7 cam kết không đủ để chống dịch. Các nhà kinh tế cho rằng rót tiền vào vắc xin là đầu tư đáng giá.

 

 

 

Tổng giám đốc WHO: Dịch COVID-19 lây nhanh hơn tốc độ phân phối vắc xin - Ảnh 1.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus – Ảnh: REUTERS

CNBC ngày 14-6 dẫn lời lãnh đạo WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết các biến thể mới như Alpha, Delta của virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 đang góp phần đẩy nhanh sự lây lan của dịch bệnh.

“Hiện tại, virus đang lan nhanh hơn tốc độ phân phối vắc xin toàn cầu. Điều đó có nghĩa rằng nguy cơ đang tăng cao đối với những người chưa được bảo vệ, tức phần lớn dân số thế giới”, ông Tedros nhấn mạnh.

Nói về cam kết mới đây của các nước nhóm G7 sẽ cung cấp 1 tỉ liều vắc xin cho các nước nghèo, lãnh đạo WHO cho rằng con số đó chưa đủ để ngăn chặn đại dịch.

“Để làm được điều đó, chúng ta cần 11 tỉ liều”, ông Tedros nói. Ông cũng nhắc lại việc cần phải tạm thời bỏ sự bảo hộ bản quyền đối với vắc xin ngừa COVID-19.

Không chỉ hối thúc các nước hành động mạnh mẽ hơn và nhanh hơn trong phân phối vắc xin, nhà lãnh đạo WHO kêu gọi phải có các biện pháp xã hội và y tế chặt chẽ và lâu dài hơn ở những nơi tỉ lệ tiêm ngừa thấp.

Một khoản đầu tư xứng đáng

Các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây ước tính thế giới sẽ phải chi đến 50 tỉ USD để tiêm chủng cho 60% dân số thế giới vào giữa năm tới. Tuy nhiên, nếu đạt được mục tiêu đó có thể tạo ra thêm 9.000 tỉ USD cho kinh tế toàn cầu vào năm 2025, theo trang Euro News.

Do đó, việc các nước giàu dốc sức cho việc phân phối vắc xin toàn cầu là một khoản đầu tư đáng “đồng tiền bát gạo”.

“Nếu chúng ta thực hiện điều mà mọi người đều cho là một thỏa thuận của thế kỷ, thì khoảng 60% nguồn lực đó phải đến từ các nước giàu trong G7” – ông Robert Yates, giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại Chatham House, một tổ chức tư vấn chính sách công có trụ sở tại London, nói.

Các nước như Mỹ và Anh đã nhanh tay “đặt cọc” nhiều loại vắc xin COVID-19 từ khi chúng vẫn đang trong quá trình phát triển, với hy vọng sẽ nhận được vắc xin đầu tiên. Điều đó giúp họ đảm bảo có đủ nguồn cung để tiêm cho toàn bộ người dân.

Tuy nhiên các nước này đang chịu áp lực phải lập tức chia sẻ vắc xin cho những nước có thu nhập thấp, thay vì để dành tiêm cho các nhóm dân số trẻ hơn trong nước. Những người lớn tuổi hay người có bệnh nền là các đối tượng gặp nguy hiểm nhất trước dịch COVID-19, chiếm phần lớn trong số những người tử vong vì dịch COVID-19.

TRẦN PHƯƠNG
TTO